Hội thảo thu hút đông đảo các dịch giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học trong nước và quốc tế tham dự.
Tại hội thảo, Viện trưởng Viện Văn học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp cho biết: Nguyễn Du và Truyện Kiều là hiện tượng văn học, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, hàm chứa giá trị bất tận ở mọi thời đại, mọi không gian. Vì vậy, hội thảo có ý nghĩa như một sự tiếp nối, nhìn lại những thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều bao gồm những phát hiện tư liệu mới, những thông tin và diễn giả mới về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Du. Bên cạnh đó, các dịch giả, nhà nghiên cứu - phê bình văn học trong và ngoài nước thúc đẩy đưa học thuật Việt Nam hòa nhập vào đời sống nghiên cứu quốc tế, đưa Nguyễn Du và truyện Kiều giới thiệu với bạn bè thế giới tạo kết nối văn hóa vững chắc, sinh động giữa quá khứ và hiện tại.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Sông Hương, Trường Nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội Paris, hiện nay đã có 75 bản dịch Truyện Kiều sang 20 ngôn ngữ khác nhau. Có thể coi mỗi bản dịch như một cách đọc, một cách tái tạo Truyện Kiều theo ngôn ngữ khác, trong một nền văn hóa khác. Vì vậy đối với các bản dịch hiện tại, cần đặt Truyện Kiều trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ, trong bối cảnh lịch sử và trên con đường bước vào văn học nghệ thuật và văn hóa thế giới để tìm hiểu hiện trạng sâu rộng hơn, cặn kẽ hơn.
Các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề: Các bản Tuồng Kim Vân Kiều, chuyển thể Truyện Kiều thành tác phẩm điện ảnh hoặc sang các loại hình sân khấu đương đại như nhạc kịch (Opera), ballet, rối cạn, kịch đương đại, múa…