Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương bày tỏ sự xúc động, tự hào và vinh dự khi nghệ thuật Xòe Thái trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. “Đây là một sự khẳng định, công nhận ở tầm cỡ quốc tế đối với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc của dân tộc. Nghệ thuật Xòe Thái được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại càng thể hiện quyết tâm trong việc thực hành, trình diễn và trao truyền nghệ thuật Xòe Thái trong sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam”, ông Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Bày tỏ sự vui mừng khi nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy phấn khởi cho biết rất vui và tự hào khi chứng kiến giây phút hai tiếng Việt Nam được xướng lên đầy trang trọng, với các nghi thức đánh dấu sự kiện nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện quan trọng này đã thêm một lần nữa khẳng định thế giới đánh giá cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc nói riêng. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cả nước nói chung, của nhân dân các dân tộc 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng.
Theo ông Đỗ Đức Duy, Nghệ thuật Xòe Thái mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết; được hình thành và phát triển cùng với lịch sử phát triển của cộng đồng người Thái; là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ lao động sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, phản ánh sự đa dạng văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc nước ta; là một một sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng được duy trì, phát triển trong cộng đồng người Thái.
Việc tôn trọng, gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật Xòe Thái nói riêng luôn được các tỉnh quan tâm thực hiện. Từ những năm 1990 đến nay, chính quyền các cấp và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, điển hình như: Thành lập, duy trì các đội văn nghệ sinh hoạt Xòe Thái ở cộng đồng (hiện 4 tỉnh có khoảng 3.300 đội văn nghệ); phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian và thành viên cộng đồng am hiểu Xòe Thái để trao truyền, thực hành, xuất bản các tài liệu, trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật Xòe Thái; truyền dạy thông qua giáo dục chính quy và không chính quy, xây dựng các dự án, chương trình, tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương...
Cho biết Yên Bái đã đưa nghệ thuật Xòe Thái vào các cơ sở giáo dục, kết hợp với xây dựng Trường học hạnh phúc; tổ chức thường niên Lễ hội Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò…, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Sự kiện UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ở cấp độ quốc tế, việc UNESCO ghi danh Xòe Thái giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa các cộng đồng không chỉ riêng ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới; thúc đẩy nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để giữ gìn bản sắc riêng của các tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ở cấp độ quốc gia, sự kiện này một lần nữa khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là luôn tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của các di sản văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cả nước.
Còn ở cấp độ địa phương, nơi có nghệ thuật Xòe Thái - sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong việc bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác; khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến di sản, nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái và các địa phương có đông đồng bào người Thái sinh sống đối với việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại.
Ông Đỗ Đức Duy cho biết, ngay sau sự kiện này, Yên Bái sẽ chủ động cùng các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phối hợp đề xuất tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2022; thực hiện chương trình hành động như đã cam kết trong Hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đồng thời, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái. Từ đó, xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động của địa phương bằng những giải pháp cụ thể vừa trước mắt, vừa lâu dài, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương.
Biết tin Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến, ở bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), người có nhiều năm tâm huyết với công cuộc nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy Xòe Thái vui lắm. Ông bảo: “Xúc động lắm, tự hào lắm và thấy khỏe hẳn ra. Năm nay, tôi trên 80 tuổi rồi, tôi tưởng mình không chờ được đến khi Xòe được vinh danh, nhưng rất may là tôi đã chờ được”.
Cùng với niềm vui mừng, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành Văn hóa và lãnh đạo các địa phương đối với việc bảo tồn phát huy Di sản nghệ thuật Xòe Thái. Đồng thời, ông bày tỏ sự tri ân của mình đối với các bậc tiền bối đã có công sáng tạo, lưu giữ, trao truyền nghệ thuật Xòe Thái, để thế hệ sau này được thừa hưởng giá trị di sản.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ và khả năng của mình, đoàn kết, đồng lòng bảo vệ và phát huy di sản nghệ thuật Xòe Thái. Cá nhân tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, truyền dạy để nghệ thuật Xòe Thái mãi mãi lan tỏa, trường tồn, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, Nghệ nhân Lò Văn Biến khẳng định.