Cuộc vượt ngục về với cách mạng

Dịp 30/4 này, Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại nhà lao Hỏa Lò (1930-1954) sẽ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chúng tôi đã gặp người tử tù Hỏa Lò năm xưa, ông Vũ Đức Chính (Nam Định), và được nghe câu chuyện mà ông kể lại về hành trình vượt ngục của ông cùng 16 tử tù khác đêm Noel năm 1951. Ông Chính là 1 trong 5 người vượt ngục thành công và trở về tham gia chiến đấu cho đến ngày đất nước giành được độc lập.

Tình đồng đội trong ngục tù tăm tối

Ông Vũ Đức Chính, tử tù Hỏa Lò năm xưa.

Năm nay dù đã 85 tuổi nhưng ký ức về những ngày bị giam trong nhà tù Hỏa Lò vẫn đậm trong trí nhớ của người tử tù Vũ Đức Chính. Đó là những ngày không thể nào quên khi ông mang án tử hình.

Ông Chính kể, cuối tháng 5/1950, ông Chính bị địch bắt khi cùng đồng đội đặt thuốc nổ để đánh chìm tàu chiến An tin-Đúpphê chở quân và càn quét tại mặt trận Thái Bình và ba tỉnh Hà-Nam-Ninh (Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình). Vũ Đức Chính bị bắt và đưa về sở mật thám Nam Định. Tại đây, ông bị địch tra tấn dã man. Mấy ngày sau, chúng kéo Vũ Đức Chính buộc vào càng máy bay “bà già” đưa lên Hà Nội. Do bị tra tấn nên lúc đưa ra máy bay, ông Chính đã mê man bất tỉnh. Đến khi tỉnh lại, ông thấy toàn người lạ. Họ cho biết ông đang ở nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, Vũ Đức Chính bị tòa án binh Pháp kết án tử hình.

Trong nhà tù, được các đồng chí tận tình chăm sóc, chữa trị vết thương, sức khỏe của ông Chính dần hồi phục, đã có thể cùng anh em đấu tranh đòi được học văn hóa, được cải thiện đời sống, được tôn trọng thân thể.

Cuộc sống trong khám tử tù rất khắc nghiệt nên đầu năm 1951, chi bộ Đảng tại đây đã báo cáo lên Thành ủy Hà Nội xin tổ chức vượt ngục và được chấp thuận. Một số lưỡi cưa, tiền… đã được chuyển vào nhà tù Hỏa Lò để thực thi kế hoạch.

Kỳ công chuẩn bị

Khâu đầu tiên là phải rút được chân ra khỏi cùm, các chiến sỹ đã dùng than đốt cháy phần gỗ lim của cùm, rồi lấy lon sữa bò nạo dần lỗ cùm cho rộng ra. Tiếp theo là phải đánh cắp được mẫu để làm chìa khóa mở cửa buồng giam. Lần đó, anh Kỳ và anh Liên chơi bóng bàn cùng giám thị. Lợi dụng lúc giám thị ham chơi, anh Hậu và anh Chính vờ làm rơi biển số tù treo ngoài cửa xà lim và mượn chìa khóa để đóng lại biển số, nhân lúc đó lấy mẫu chìa khóa luôn. Ông Chính cười kể: “Do là thợ nguội cơ khí nên tôi được giao làm chìa khoá này. Loại khóa này rất đặc biệt, dạng khóa ống, chìa tròn. Chiếc chìa khóa này có thể mở được nhiều buồng giam, chứ mỗi buồng một chìa thì chắc giờ tôi không còn ngồi ở đây”.

Một gócđược giữ lại làm di tích lịch sử cách mạng.


Làm xong chìa khóa, các anh phải cưa cửa sổ buồng giam để mở khóa. Vũ Đức Chính được Ban chỉ huy vượt ngục phân công làm việc này. Ông Chính cho biết: Cưa phải cưa vát để khi đi kiểm tra, cai ngục không phát hiện ra; sau đó tiếp tục cưa chấn song cửa từ hành lang ra sân trại. Tuy nhiên, kỳ công nhất và khó khăn nhất là công đoạn chui xuống cống ngầm cưa chấn song sắt đường cống ăn thông ra đường cống của thành phố. Đoạn cống trong trại tù vừa nhỏ, vừa hẹp lại chứa nước thải của khu vệ sinh và trạm xá. Mỗi lần xuống cống là mỗi lần nằm trong đống nước phân, rác, bông băng lau rửa vết thương hôi thối, tanh ngòm, mà phải cố bò trườn mới vào được. Ông Chính kể: “Đến bây giờ tôi vẫn thấy gai người khi nhớ đến thứ mùi ấy. Cưa thì phải ở trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, song sắt trong cống là loại phi 18 vừa to vừa cứng nên cưa rất khó khăn. Vừa cưa vừa phải tính thời gian để còn quay lên cho kịp giờ vào cùm.

Mỗi ngày trại cho phép tử tù được ra sân chơi hai lần, để ăn cơm và làm vệ sinh, mỗi lần 15 phút. Đây là thời gian để ông Chính tiến hành các công đoạn trong kế hoạch vượt ngục. Khi ông Chính xuống cống cưa song sắt, Ban chỉ huy vượt ngục đều cắt cử người cảnh giới, xóa dấu vết. Nhưng cũng có lần cả trại tử tù thót tim vì kế hoạch suýt bại lộ. Hôm đó, khi ông Chính còn đang ở dưới cống, thì bất ngờ giám thị bắt tù nhân vào cùm sớm hơn mọi ngày. Mọi người tá hỏa, vào cùm mà thiếu mất một người thì coi như kế hoạch vượt ngục bị “phá sản”. Rất nhanh trí, đồng chí Kỳ vung tay đấm thẳng vào mặt một đồng chí khác ở phía buồng giam trong cùng. Cả trại nhao lên, cãi cọ, giằng co khiến giám thị vào can thiệp. Ở ngoài sân trại, nhận được tín hiệu, ông Chính nhanh chóng thoát lên khỏi miệng cống, về buồng giam trót lọt.

Vượt ngục đêm Noel

Ngày 3/12/1951, địch lại tiếp tục đưa thêm ba tử tù nữa đi bắn, khiến tình hình ngày càng căng thẳng. Ban chỉ huy vượt ngục báo cáo kết quả với Chi ủy và Quận ủy nội thành xin ý kiến. Ngày giờ vượt ngục dự kiến là đêm 30/12/1951, tổ chức sẽ bố trí đón anh em tù nhân vượt ngục bằng ô tô tải đỗ ngay trên miệng cống, đoạn phố Quán Sứ cắt phố Thợ Nhuộm. Tuy nhiên, ngày 20/12/1951, quân Pháp tăng cường kiểm tra và đưa cố đạo Păngcôlê vào thăm tử tù sớm hơn thường lệ. Theo thông lệ, sau khi cố đạo vào thăm trại vài ngày, sẽ có người bị đưa đi xử bắn. Ban chỉ huy vượt ngục sau khi phân tích kỹ tình hình đã đi đến quyết định tổ chức vượt ngục sớm trước năm ngày, tức là vào 19 giờ ngày 24/12/1951 (đêm Noel).

Trước ngày vượt ngục, ông Chính được phân công đi trước dò tìm đường thoát trong cống ngầm theo bản đồ. Ông phải bò trườn trong lòng cống tối om, hôi thối; phải đến khi thoát khỏi lòng cống hẹp, ra đến đoạn cống rộng và thoải mái hơn, ông lần mò theo đoạn cống và chạm tay vào một cái cầu thang bằng sắt, ông leo lên và cố đẩy nắp cống. Chiếc nắp cống hơi chuyển động và ông nghe thấy những âm thanh quen thuộc của cuộc sống, ông cởi phăng chiếc quần đùi duy nhất trên người quấn vào chân cầu thang nắp cống để làm dấu rồi về trại tù.

Đúng 19 giờ đêm Noel năm 1951, sau khi giám thị đi kiểm tra lần đầu, 17 tử tù (trong đó có 16 tử tù chính trị, 1 tử tù hình sự là người Hoa) chia thành ba nhóm lần lượt chui xuống cống ngầm. Do phải vượt tù sớm trước kế hoạch nên nhóm không được sự giúp đỡ, hỗ trợ của đồng đội bên ngoài. Địch đã phát hiện và tổ chức lực lượng truy bắt tù nhân vượt ngục. Chỉ có năm đồng chí gồm: Vũ Đức Chính, Nguyễn Gia Thiết, Vũ Đình Quang, Vũ Đình Khôi và Nguyễn Văn Hùng chạy thoát, 12 người khác bị bắt lại. Ông Chính cho biết: “Theo luật pháp lúc đó, khi bị kết án tử tù, bản án chỉ có hiệu lực khi tổng thống Pháp phê chuẩn. Tuy nhiên, do có sự tích cực đấu tranh của các luật sư, trong số 12 người tử tù bị bắt lại, có 10 người được giảm án xuống chung thân bị đầy đi Côn Đảo, sau Hiệp định Giơnevơ 1954, được trao trả cho phía ta”.

Ông Chính kể, sau khi thoát lên khỏi miệng cống, ông cùng hai đồng chí Thiết và Khôi thuê một chiếc xích lô chạy ra phía Cống Quỳnh - phía nam ngoại thành Hà Nội. Thoát được Hỏa Lò, ông Chính một lần nữa phải đối mặt với hiểm nguy. Vì chưa bắt được liên lạc với tổ chức ngay, hai đồng chí Thiết và Khôi biết đường đi lối lại được giao nhiệm vụ đi tìm cơ sở. Còn lại một mình, ông Chính lánh ra khu nghĩa địa làng Quỳnh. Nơi đó lại gần với bốt của giặc Pháp nên ông phải chui xuống huyệt mộ mới bốc để ẩn nấp. Mùa đông cuối năm đó, trời rét lại không có gì ăn, ông lịm đi, chỉ thò hai chân ra ngoài. Đồng chí Thiết sau khi tìm được cơ sở của ta đã báo còn người nữa đang ở quanh khu vực làng Quỳnh nên du kích ở đó tổ chức tìm kiếm. Rất may, đúng khoảng thời gian ông lịm đi thì du kích địa phương phát hiện ra ông, khi đó vẫn còn thoi thóp thở, người chỉ còn da bọc xương. Sau một thời gian được cơ sở cách mạng chăm sóc, sức khoẻ của ông đã bình phục và đưa ra khu căn cứ tại Thanh Hoá. Dù lãnh đạo khu căn cứ giữ lại nhưng ông vẫn xin được trở về đơn vị cũ tại Nam Định để tiếp tục chiến đấu.

Về Nam Định, ông Chính được giao nhiệm vụ đội phó đội võ trang thành Nam, tham gia đánh nhiều trận. Trong đó vang dội nhất là trận đánh ở Vạn Bảo (Nam Định), tiêu diệt và bắt sống nhiều sỹ quan địch. Năm 1953, ông Chính được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Năm 1953, ông được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quân và hiện nay tại di tích nhà tù Hỏa Lò đang trưng bày bằng khen này, trong đó có ghi: Chiến sĩ bị bắt và giam tại Hỏa Lò, dù bị tra tấn nhưng không khai và quay trở lại đơn vị cũ chiến đấu, đạt nhiều thành tích. Năm 1961, ông được Hồ Chủ tịch tặng bằng khen Chiến sĩ thi đua và bằng khen này được ông treo trang trọng tại nhà và coi đây là đồ gia bảo. Những người tử tù vượt ngục năm đó vẫn gặp lại nhau vào ngày 24/12 hằng năm. Ông Chính cũng phục dựng lại những ổ khóa buồng giam của Hỏa Lò, minh chứng một thời kỳ đấu tranh hào hùng của các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò - một địa ngục trần gian.

Theo ông Tạ Quốc Bảo, Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò - Hà Nội (1930-1954), tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày tại nhà lao Hoả Lò, Hà Nội (giai đoạn 1930-1954), được Chủ tịch nước ký quyết định ngày 30/1/2011 phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một thành công lớn của tập thể tù chính trị Hỏa Lò là biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, giáo dục và đào tạo hàng nghìn cán bộ cho cách mạng; góp phần đào tạo 5 Tổng bí thư: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười; hàng chục ủy viên Bộ Chính trị của Đảng. Có 3 người tù Hỏa Lò được tuyên dương Anh hùng là nữ đồng chí Hoàng Ngân (nguyên lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Trần Bình (cán bộ Công an Hà Nội), Nguyễn Sỹ Huynh (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an). Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khi địch trao trả hết tù chính trị Hỏa Lò, chi bộ nhà tù này mới giải thể.

Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN