Nếu như trước đây các video ca nhạc lấy chủ đề chống dịch COVID-19 thường là những ca khúc sôi động, lời ca hùng hồn kèm theo những vũ điệu khỏe khoắn, tươi vui nhằm cổ vũ tinh thần nhân dân thì gần đây các video về chủ đề này chuyển hướng sang những giai điệu trữ tình, lời ca da diết, mang tính tự sự, đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.
Với những ca từ giản dị, dễ hiểu, video ca nhạc “Sài Gòn cố gắng lên” của ca sĩ Dee Trần (The Voice) như nói thay nỗi lòng của những người dân TP Hồ Chí Minh khi nhìn thấy phố phường quạnh hiu, quán xá vắng vẻ,…
Dựa trên tình huống thực tế, ca khúc mang hơi hướng bolero có tên “Hẹn ngày trở về” của tác giả Trần Hùng lại chọn kể câu chuyện về một chàng bộ đội sắp cưới cô bác sĩ, nhưng cả hai phải gác lại việc riêng để cô gái lên đường theo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chia sẻ về ca khúc, tác giả Trần Hùng cho biết, anh chọn dòng nhạc trữ tình vừa có sự mới lạ, vừa thể hiện tình cảm tri ân với những cán bộ, chiến sĩ quân đội trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 đầy cam go. Bên cạnh đó, anh mong muốn, ca khúc sẽ truyền năng lượng tích cực, giúp mọi người có ý thức hơn về tình hình dịch bệnh, cũng như động viên, gắn bó, chia sẻ với nhau nhiều hơn trong hoàn cảnh khó khăn.
Tương tự, có thể kể đến những video ca nhạc trữ tình khác tri ân đội ngũ y, bác sĩ chống dịch như “Ba sẽ về” của ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, video ca nhạc “Nếu anh không về” của quán quân thần tượng bolero Hellen Thủy và Top 10 Sao Mai 2013 Tuấn Dương. Những ca khúc phòng, chống dịch mang âm hưởng thánh ca như “Xin ơn chữa lành dịch bệnh”, “Nguyện cầu trong cơn đại dịch”, “Nguyện cầu chúa thương”, “Lời nguyện trong cơn dịch bệnh”… cũng đem lại nhiều cảm xúc cho người nghe với giai điệu nhẹ nhàng, ca từ mềm mại, tình cảm.
Ở góc độ chuyên môn, theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, các tác phẩm âm nhạc được dàn dựng thành video đã truyền tải những câu chuyện thời sự, nóng bỏng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Cách dàn dựng sinh động với hình ảnh chân thật, truyền đi thông điệp sẻ chia, đời thường đồng thời quan tâm chăm lo cho người lao động và tôn vinh các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an... trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Nghệ sĩ ưu tú Ca Lê Hồng, người gắn bó hơn 60 năm với sân khấu truyền thống trong nhiều vai trò và góc nhìn nghệ thuật, cho rằng, hình ảnh các bác sĩ, chiến sĩ trên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 được khắc họa qua nhiều vở diễn sân khấu, video ca múa nhạc, video ca cổ… thực hiện đầu năm 2021 là việc làm đáng biểu dương.
Cụ thể, các video ca nhạc của nhiều nghệ sĩ cải lương như: Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết, Nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long, soạn giả Hoàng Song Việt... là những lời tri ân của các nghệ sĩ gửi đến những người đang ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch.
“Hiện, cần tuyên truyền rộng rãi hơn những vở diễn, bài ca cổ viết về lực lượng tình nguyện viên và đội ngũ y bác sĩ trên cả nước chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch. Hình ảnh đó rất đẹp và xúc động, lan tỏa được tinh thần cùng cả nước chống dịch bệnh mà ý nghĩa đồng bào rất lớn” - Nghệ sĩ ưu tú Ca Lê Hồng nói.
Bên cạnh đó, dù không trực tiếp cứu chữa bệnh nhân COVID-19 nhưng bằng hình thức nghệ thuật, sáng tạo vượt bậc, các tác giả, nghệ sĩ tại TP Hồ Chí Minh đã mang đến cho người xem món ăn tinh thần mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy, trong bối cảnh sân khấu phải đóng cửa, khó khăn chồng chất, các văn, nghệ sĩ vẫn ngày đêm cống hiến hết mình cho công tác xã hội, tích cực tham gia các đội tình nguyện cùng lực lượng tuyến đầu. Song song với những việc làm hữu ích đó, họ còn tham gia sáng tác, dàn dựng các tác phẩm, sản phẩm âm nhạc. Đó không chỉ là món quà thiết thực chứa đựng tấm lòng của văn, nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh khi cùng cả nước hòa nhịp, tác động đến toàn xã hội mà còn là nhiệm vụ của người nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa.