Huyện Sóc Sơn, Hà Nội hiện có 180 lễ hội, trong đó Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn là một lễ hội lớn, thu hút hàng vạn khách tham dự. Huyện chỉ đạo các Ban Tổ chức Lễ hội thực hiện phần lễ gọn nhẹ, trang nghiêm, tiết kiệm. Các nội dung phần tế, rước ngày càng được nâng lên. Cụ thể, văn tế của các thôn làng chuẩn bị kỹ lưỡng, có ý nghĩa giáo dục cao; đội hình đoàn rước được trang bị đẹp về lễ phục; kiệu rước, lễ phẩm, vật phẩm chuẩn bị chu đáo, mang tính tâm linh, trang trọng.
Phần hội của Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn với các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi truyền thống được tổ chức phong phú tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho du khách và nhân dân. Ban tổ chức hướng dẫn đặt tiền lễ, tiền "giọt dầu" đúng chỗ, không có hiện tượng nhét tiền vào tay tượng thờ. Các lễ hội ở huyện Sóc Sơn không xảy ra hiện tượng mê tín, dị đoan, bói toán, rút thẻ, trò chơi trá hình, sát phạt ăn tiền. Công tác an ninh được đảm bảo, không xảy ra hiện tượng du khách bị mất cắp.
Huyện Đông Anh cũng có nhiều lễ hội, trong đó có Lễ hội Đền Cổ Loa, Đền Sái.... Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, mùa lễ hội năm nay, huyện chú trọng thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Tình trạng đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt vào di tích không còn... Huyện chỉ đạo các Ban Tổ chức lễ hội kiểm tra, phát hiện và xử lý sai phạm, ngăn chặn biến tướng, biểu hiện tiêu cực trong lễ hội. Các khu dịch vụ được bố trí, sắp xếp không gây cản trở, ùn tắc giao thông.
Ban Tổ chức sắp xếp hợp lý nơi sắp lễ, giá để đồ lễ, nơi dâng lễ, đốt hương hóa lễ, đảm bảo phòng chống cháy nổ tại di tích. Huyện Đông Anh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ không đặt tiền lễ, tiền công đức lên các ban thờ hoặc gài tiền lẻ vào đồ lễ, tượng Phật cũng như những hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích, lễ hội.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội 2019 của hai huyện Sóc Sơn và Đông Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị, trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các địa phương, cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm soát hiệu quả các hành vi bạo lực, phản cảm; giữ vững an ninh, trật tự trong không gian lễ hội cũng như tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự. Các huyện cần có phương án cho vấn đề quy hoạch tổ chức hàng quán, gìn giữ vệ sinh môi trường, siết chặt các trò chơi giải trí trong không gian lễ hội nhằm đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, an toàn.