Đàn ông Việt 'tranh đấu' cho một ngày của riêng mình

Sáng ngày 19/11, tại Hà Nội, Báo Thể thao & Văn hoá (Thông tấn xã Việt Nam) và Giovanni phối hợp tổ chức toạ đàm "Đàn ông là số 1 hay số 0" và phát động cuộc thi "Đàn ông chất là...".

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Cuộc toạ đàm diễn ra ở thời điểm 70 quốc gia khác trên Thế giới cũng đang kỷ niệm ngày Quốc tế Nam giới (19/11) và những người đàn ông đưa ra ý tưởng về cuộc toạ đàm, tham gia cuộc toạ đàm (với tư cách là MC như Giáo sư Cù Trọng Xoay- Đinh Tiến Dũng, với tư cách là khách mời như NSƯT Chí Trung, nhà báo Hoàng Minh Trí...) đều mong muốn sẽ có một ngày của riêng mình trong năm, cũng "rầm rộ" không kém gì ngày 8/3, 20/10 của phụ nữ.

Bởi như chia sẻ của nhiều "phái mạnh", họ thấy mình thua thiệt vi cứ bị mặc định phải là "trụ cột gia đình", phải "gồng" mình lên để đảm nhận vai trò ấy. Họ cũng muốn có tiếng nói của mình, được sẻ chia, thậm chí là "nâng niu"...

Các khách mời tại toạ đàm.

Chia sẻ về khái niệm "đàn ông chất", nhà báo Hoàng Minh Trí cho biết: Đàn ông có "chất', cũng nên "chất" với một vài người. Cái "chất" ấy có thể hiểu nôm na là biết yêu vợ, thương con, biết chăm chút con cái và "khi ở nhà làm việc nhà thì vui vẻ làm, chứ không phải mặt lạnh, mày nhạt".

Nhà báo, blogger Hoàng Minh Trí: Chỉ nên "chất" với một số người.

Chàng blogger dí dỏm lấy dẫn chứng: Ví như mỗi đêm lúc 2 giờ sáng phải dậy đi xuống tầng dưới lấy sữa cho con uống, đó quả thật cũng là một việc mệt mỏi; nhưng vì là việc phải làm, thì cũng nên vui vẻ làm, làm xong rồi lên... ngủ tiếp. "Khi đàn ông làm việc nhà với thái độ vui vẻ, thì cũng sẽ được ghi nhận và đó chính là "chất" của người đàn ông", nhà báo Hoàng Minh Trí chia sẻ.

Góp mặt tại chương trình, Hoa hậu Thân thiện DươngThuỳ Linh có quan niệm khá thú vị: Mỗi người phụ nữ có một "gu" về đàn ông khác nhau, bởi vậy cái khái niệm "chất" của mỗi người cũng khác nhau. Ví như bạn bè của Linh thì thích người đàn ông phải bệ vệ, thành đạt, chắc chắn, nhiều tuổi hơn và không cần phải "nhúng" tay vào việc nhà.

Hoa hậu Thân thiện Dương Thuỳ Linh: Mỗi người phụ nữ có một "gu" đàn ông khác nhau.

Trong khi quan điểm của Linh thì khác, cô thích người đàn ông "uyển chuyển", không phủ nhận phần "mềm yếu" trong mình; bởi đàn ông cũng là con người, không cần phải quá cứng, quá gồng mình lên thể hiện mình là đàn ông. "Phụ nữ giờ không còn mềm như xưa, vì vậy đàn ông cũng nên là "nước", biết "mềm xuống" để hoà nhập hơn với người phụ nữ", Linh chia sẻ. Cũng theo Hoa hậu, đàn ông "chất" thời nay cũng nên biết làm việc nhà, tham gia việc nhà cùng vợ; vì đổi lại người vợ ngày nay cũng đang phải đi làm, kiếm tiền.

NSƯT Chí Trung: Tôi không "chất", nhưng dù ở tầng 4, thấy tiếng xe vợ về là chạy ngay xuống dắt xe cho vợ.

Khá dí dỏm, NSƯT Chí Trung cho rằng, đám đàn ông đang "túm tụm" tại đây để đòi quyền, vì một mình thì nào ai dám. Không nhận mình là đàn ông "chất", nhưng anh kể về việc mình là người dù đang ở trên tầng 4, mà nghe thấy tiếng xe máy của vợ về, là chạy xuống ngay để dắt xe cho vợ vì bậc thềm nhà hơi cao; là người cũng lau nhà, phơi quần áo, tưới hoa để nó nở đẹp cho vợ ngắm. Anh cũng khẳng định, mình không thể tuyệt như vợ được, cô ấy tuyệt vời lắm...

Ông Tim Voegel-Downing - Giám đốc sáng tạo của tập đoàn Giovanni cho rằng, đàn ông phương Tây cũng có những nỗi khổ như đàn ông Việt, xã hội có nhiều thay đổi, người phụ nữ phải đi làm thì người đàn ông cũng phải chăm sóc gia đình, khiến chúng ta nhìn nhận lại, đưa ra những định kiến khác hơn về vai trò của người đàn ông và người phụ nữ.

Ông Tim Voegel-Downing: Phải đặt câu hỏi mình có "chất" không thì người đàn ông đó đã mất đi sự "chất" rồi.

Theo ông Tim, để là người đàn ông "chất" thì trước hết họ phải tự tin, khi phải đặt ra những câu hỏi phải làm thế nào mới là đàn ông "chất" thì khi đó người đàn ông đã mất đi cái chất của mình rồi.

GS Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng: Đàn ông có thể là số 1, mà cũng có thể là số 0.

Với giáo sư Cù Trọng Xoay, anh cho rằng: Đàn ông có mọi thứ thì đàn ông là số 1. Nếu phạm 1 lỗi dù là nhỏ với chị em phụ nữ thì đàn ông là số 0.

"GS Cù Trọng Xoay" bày tỏ quan điểm: "Nếu để nói về ngày 19/11 (Quốc tế Nam giới) cũng chỉ là nhằm mục đích làm sao cho đàn ông sống khỏe mạnh hơn, những bé trai được bảo vệ nhiều hơn và được giáo dục đúng hướng hơn. Có một ngày như ngày 19/11đơn giản chỉ là một ngày kỷ niệm để cho chúng ta có được cái nhìn thấu đáo hơn về hẳn một năm chúng ta ứng xử với nhau như thế nào?! Cũng như phụ nữ, không chỉ có ngày 8/3 đàn ông mới tử tế với người phụ nữ mà phải là cả 365 ngày...".

*Cũng tại cuộc toạ đàm, BTC đã phát động cuộc thi viết "Đàn ông chất là....". Nội dung cuộc thi xoay quanh vấn đề: Thế nào là đàn ông "chất"?

Có thể, đàn ông "chất' đơn giản là người giỏi việc nhà, không giỏi kiếm tiền nhưng lại lại là một "hậu phương" về tinh thần tuyệt vời cho gia đình. Đàn ông "chất" cũng có thể là người đàn ông biết ứng xử văn hoá, nói năng lịch thiệp, ăn mặc chin chu và ổn định về kinh tế, có những đóng góp thiết thực cho xã hội, cộng đồng. Hoặc đơn giản là một người đàn ông nghèo khó mà ta gặp ngoài đường, rất đỗi bình thường nhưng đằng sau vẻ bề ngoài ấy lại là một tấm lòng cao quý... Mọi thí sinh dự thi sẽ được tự do bày tỏ qan điểm của mình về người đàn ông "chất".

Mỗi người có một quan điểm về sự "chất" của đàn ông.

Cuộc thi dành cho tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và cả những công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc và định cư ở nước ngoài.

Tác phẩm dự thi có thể được thể hiện dưới hình thức bài viết, tác phẩm ảnh, video clip.

Về bài viết: Không giới hạn số lượng, độ dài mỗi bài không quá 1.500 chữ (ưu tiên những bài viết có hình ảnh kèm theo phù hợp với nội dung bài viết.

Tác phẩm ảnh: Khuyến khích chùm ảnh từ 10 bức trở xuống, ảnh màu hoặc đen trắng do chính tác giả (người gửi ảnh) chụp bằng máy ảnh hoặc điện thoại, ảnh gửi dự thi phải ở dưới dạng file JPG có dung lượng tối thiểu 1MB, độ phân giải tối thiểu 300 dpi.

Video clip: Mỗi nhóm hoặc cá nhân là tác giả của video clip, gửi tối đa với 3 tác phẩm, thời lượng không quá 10 phút. BTC chấp nhận video clip dự thi quay bằng điện thoại,định dạng phổ biến avi, mpeg, mkv, klv, mp4…

Các tác phẩm ở mọi hình thức tham dự cần có thể hiện những cái nhìn độc đáo về đàn ông, có ý tưởng sáng tạo, thông điệp rõ ràng.

Bài dự thi gửi về về BTC qua địa chỉ E-mail:ngaydanong1911, kèm theo thông tin cá nhân, hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp tại Báo Thể thao & Văn hóa (11 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) từ ngày 19/11 đến 19/12/2017.

Cuộc thi sẽ công bố kết quả vào ngày 26/12 tại Fanpage của Báo Thể thao & Văn hóa và trên báo điện tử Thể thao & Văn hóa (chuyên mục: Đàn ông "chất") với các hạng mục giải thưởng như sau: 1 Giải Nhất trị giá 30 triệu đồng + Voucher Giovanni trị giá 4.000.000 đồng; 2 Giải Nhì: Mỗi giải 20 triệu đồng + Voucher Giovanni trị giá 3.000.000 đồng;3 Giải Ba: Mỗi giải 10 triệu đồng + Voucher Giovanni trị giá 2.000.000 đồng; 3 Giải Khuyến khích: Mỗi giải: 5 triệu đồng + Voucher Giovanni trị giá 1.000.000 đồng

BGK cuộc thi gồm: Ông Lê Xuân Thành- Tổng Biên tập báo Thể thao & Văn hóa, nhà báo Trương Anh Ngọc, ông Tim Voegele Downing- Giám đốc sáng tạo Giovanni và “giáo sư” Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng.


PT/ Báo Tin Tức
Chùm ảnh lễ trao giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì Tình yêu Hà Nội'
Chùm ảnh lễ trao giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì Tình yêu Hà Nội'

Giải thưởng "Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội" (do báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và Quỹ Bùi Xuân Phái phối hợp tổ chức) đã công bố và trao giải thưởng lần 10 – năm 2017; đồng thời tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm giải thưởng vào sáng nay, 17/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN