Hơn 10 năm qua, kể từ khi Nhà nước thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập và xã hội hóa điện ảnh, các chủ rạp chiếu phim đủ tiêu chuẩn được quyền nhập phim; thị trường phát hành - phổ biến phim ở Việt Nam đã trở nên nhộn nhịp.
Các pano quảng cáo phim vắng bóng phim nội. |
Tuy nhiên, việc phát hành - phổ biến phim cũng bộc lộ nhiều bất cập, khi cán cân giữa phim nội và phim ngoại, ở thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa có sự chênh lệch. Làm thế nào để giải quyết tình trạng mất cân bằng này, thúc đẩy hoạt động phát hành - phổ biến phim ở Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới thật sự là bài toán khó.
Bài 1: Phim ngoại “áp đảo” các rạp
Theo xu hướng phát triển chung của nền kinh tế nước ta hiện nay, hoạt động phát hành, phổ biến phim cũng phát triển theo quy luật thị trường, có cả mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực là chỉ trong vòng hơn 10 năm thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập và xã hội hóa, các công ty nước ngoài, công ty liên doanh và công ty tư nhân về phát hành - phổ biến phim kinh doanh ngày càng hiệu quả, một số cụm rạp hiện đại được xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa đã thu hút khán giả; hoạt động chiếu phim “sống lại” sau nhiều năm ngắc ngoải.
Khán giả Việt Nam có điều kiện được thưởng thức hầu hết những bộ phim “bom tấn” của các nền điện ảnh phát triển trên thế giới cùng lúc với khán giả trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của nó là Nhà nước không kiểm soát, không định hướng được hoạt động chiếu phim vì không điều tiết được nguồn phim phát hành; hệ thống rạp chiếu phim hiện đại hầu hết do các công ty liên doanh và công ty tư nhân nắm giữ. Việc tuân thủ cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO dẫn đến việc không có hạn ngạch nhập phim nước ngoài đã mang đến nguy cơ xâm lấn của phim ngoại nhập.
Theo thống kê, gần 80% lượng phim chiếu rạp hiện nay là phim ngoại nhập (chủ yếu là phim Mỹ), còn lại một số ít là phim của Trung Quốc, Hàn Quốc. Năm 2011, Việt Nam chỉ có 17 phim được công chiếu tại các rạp (trong khi có 106 phim nước ngoài). Nhìn vào số lượng hàng chục phim đang công chiếu hiện nay ở hầu hết các rạp chỉ thấy toàn tên ngoại như “Kỷ băng hà IV”, “Kỵ sỹ bóng đêm trỗi dậy”, “Kẻ độc tài”, “Chiến binh Robot”, “Đường đua ma quái”, “Step up 4 - Vũ điệu tình yêu”, “Thợ săn Ma cà rồng”, “Võ Đang thất bảo”, “Vua nịnh hót”... Đối với phim Việt, sau thời kỳ sôi động của phim Tết hồi đầu năm, từ tháng 5 đến nay, Việt Nam mới có được vỏn vẹn 2 phim là “Dành cho tháng 6” (ra mắt 20/5) và “Gia sư nữ quái” (ra mắt ngày 1/6). Có thể nói, tỷ lệ “áp đảo” của phim ngoại chiếu ở các rạp hiện nay là một trong những thách thức rất khó vượt qua đối với việc sản xuất, phát hành phim “nội”.
Ngay cả hệ thống vật chất như cụm rạp, thiết bị và công suất chiếu của các đơn vị tư nhân, các công ty liên doanh cũng phát triển mạnh hơn Nhà nước rất nhiều. Theo thống kê, cả nước hiện có 93 rạp và cụm rạp với 215 phòng chiếu, trong đó có 72 rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý và 21 rạp chiếu của các công ty cổ phần, công ty tư nhân, công ty liên doanh. Tuy Nhà nước nắm giữ 72 rạp chiếu phim, nhưng ngoài Trung tâm Chiếu phim quốc gia là một cụm rạp hiện đại với 6 phòng chiếu, gần 100 phòng chiếu còn lại đều có trang thiết bị lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng và hoạt động cầm chừng. Trong khi 21 rạp chiếu của các công ty tư nhân, liên doanh đã có tới 111 phòng chiếu với trang thiết bị hiện đại. Số lượng buổi chiếu của các đơn vị tư nhân, liên doanh cũng cao gấp nhiều lần Nhà nước. Riêng trong năm 2011, hệ thống rạp chiếu Nhà nước chỉ thực hiện 74.7 buổi chiếu (trong đó 31% chiếu phim Việt Nam), trong khi hệ thống rạp của công ty nước ngoài, liên doanh và tư nhân thực hiện tới 194.3 buổi chiếu (nhưng chỉ có 14,% buổi chiếu phim Việt Nam).
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do số lượng phim “nội” được sản xuất, phát hàng hàng năm quá ít, trung bình mỗi năm có trên 10 phim điện ảnh được ra mắt khán giả, chủ yếu là các phim do tư nhân sản xuất và ra mắt vào dịp Tết, còn Nhà nước đầu tư rất ít. Thêm vào đó, từ khi Nhà nước cho phép các cơ sở kinh doanh điện ảnh tham gia vào thị trường phát hành phổ biến phim - Công ty xuất nhập khẩu và phát hành phim Việt Nam (Fafilm Việt Nam) không còn độc quyền và mất dần khả năng chi phối và điều tiết hoạt động phát hành phổ biến phim. Nếu như năm 2007-2008 Fafilm Việt Nam còn nhập được 1-3 phim, thì kể từ năm 2009 đến nay không còn nhập thêm một bộ phim nào. Hệ thống rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý xuống cấp trầm trọng, nhưng hầu như không được cải tạo, nâng cấp, nguồn phim không có để chiếu (vẫn chủ yếu chiếu lại phim cũ do các công ty tư nhân và công ty liên doanh đưa về tận thu sau khi đã phát hành ở các thành phố lớn), doanh thu không đủ bù chi phí, nên các rạp chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều rạp ở một số địa phương còn chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc bị xóa sổ hoàn toàn.
Từ thực tế trên, có thể nhận thấy, đối với việc phổ biến, phát hành phim hiện nay, các đơn vị điện ảnh Nhà nước đã bị “thua ngay trên sân nhà”.
Nguyên Hà
Bài 2: Phim về vùng sâu, vùng xa ngày càng ít