Đa dạng di tích
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, với lịch sử hơn 320 năm, thành phố là nơi hội tụ của rất nhiều giá trị văn hóa nhân văn - văn hóa lịch sử được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của các nền văn hóa khác nhau trên nền tảng văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam. Trải qua quá trình dựng xây, gìn giữ và phát triển, thành phố hiện sở hữu đa dạng hệ thống công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử văn hóa có giá trị.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đến tháng 11/2019, thành phố có 172 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật hoặc khảo cổ học đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia và cấp thành phố. Trong đó, thành phố có hai di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia hạng đặc biệt, đó là Di tích lịch sử Dinh Độc Lập và Di tích Địa đạo Củ Chi.
Di tích Dinh Độc lập là nơi đã diễn ra sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền Cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà.
Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng Tây Bắc gồm hệ thống địa đạo khác nhau, được hình thành từ năm 1948, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến năm 1960, hệ thống địa đạo được phát triển lên tới hơn 200 km liên hoàn khắp 6 xã phía Bắc của huyện Củ Chi. Địa đạo có các bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất.
Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, địa đạo này vừa là căn cứ địa của Khu ủy Quân khu, Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định, của Huyện ủy Củ Chi. Thế trận đánh giặc dưới lòng đất nơi đây đã làm nên những kỳ tích lớn lao, tích cực góp phần vào công cuộc chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước…
Bên cạnh đó, các quận, huyện của thành phố còn có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật ghi dấu nhiều sự kiện, giai đoạn lịch sử không thể nào quên của đất nước, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị lãnh tụ của Đảng, các chí sĩ yêu nước, nơi những chiến sĩ Cộng sản từng ở, hoạt động, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Có thể kể đến các di tích như: Di tích nơi thành lập An Nam Cộng sản Đảng năm 1929 (số 1 đường Nguyễn Trung Trự, phường Bến Thành, Quận 1) và nơi thành lập Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên đồng chí Hội ( số 88 đường Lê Lợi, phường Bến Thành, Quận 1); nơi Bác Hồ từng ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước (số 5, đường Châu Văn Liêm, Phường 14, Quận 5); Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú hy sinh (số 190, đường Bến Hàm Tử, Phường 1, Quận 5); Trụ sở Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Phân ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn (1955-1958) ở số 87 A đường Trần Kế Xương, Phường 7, quận Phú Nhuận; cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập (số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3); cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ (số 51/10/14 đường Cao Thắng, Phường 3, Quận 3); Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 196 ( đường Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3; Căn cứ Chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ)…
Địa bàn thành phố còn có nhiều di tích là các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc như: Đình Ngọc Hoàng; miếu Thiên Hậu; Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh; đình Chí Hòa; nhà thờ tổ thợ bạc; di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ; lò gốm cổ Hưng Lợi…
Bảo tồn di tích vẫn gặp khó
Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, công tác bảo tồn phát huy giá trị của hệ thống các di tích trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được quan tâm thực hiện thường xuyên, đạt được nhiều kết quả. Trong 10 năm (2009-2019), từ nguồn ngân sách, thành phố đã đầu tư trên 500 tỉ đồng đề tu bổ, tôn tạo nhiều di tích trên địa bàn. Công tác kiểm kê hiện vật tại các di tích luôn được chú trọng.
Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố phối hợp thực hiện kiểm kê và tổ chức đánh giá xác định niên đại, giá trị thẩm mỹ, khoa học hiện vật thuộc các di tích trên địa bàn thành phố. Hiện, nhiều di tích đã được tu bổ hoàn thiện như: Hội quán Nhan Hương, trụ sở UBND thành phố; đình Chí Hòa, chùa Giác Viên, đình Phú Nhuận và mộ cụ Phan Chu Trinh...
Tuy nhiên, công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của nhiều di tích trên địa bàn Thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Kết quả giám sát theo chuyên đề của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh mới đây cho thấy, với áp lực đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học, áp lực quỹ đất để đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiều di sản đang bị đe dọa.
Tại một số di tích, tình trạng bị lấn chiếm khuôn viên đã xảy ra, chưa được cắm mốc xác lập khu vực bảo vệ di tích. Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố cho rằng, hệ thống pháp luật, chính sách về bảo tồn di sản vẫn chưa đồng bộ.
Luật Di sản Văn hóa chưa đưa ra đầy đủ các giải pháp định hướng, trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước, chủ sở hữu các di tích hoặc các cơ sở pháp lý và quy trình thực hiện bảo vệ di sản. Ngoài ra, việc quy hoạch và nhận diện di tích có thời điểm, có địa phương, chưa được thực hiện "đến nơi đến chốn” dẫn đến tình trạng một số di tích xuống cấp nhưng lại không được kịp thời tu bổ, phục dựng. Có di tích dù đã được nhận diện song chưa được cơ quan chức năng tìm cho nó một công năng phù hợp để di sản tồn tại và phát huy giá trị.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đạt, việc xây dựng các quy định về công tác bảo tồn di sản còn chậm so với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, việc vận động các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý các công trình, địa điểm trong danh mục làm hồ sơ xếp hạng di tích còn gặp nhiều khó khăn. Chủ sở hữu một số công trình chưa “mặn mà” do ngại thủ tục và ngại việc sau khi di tích được xếp hạng sẽ phải tuân thủ nhiều quy định hơn khi tôn tạo, phát triển. Chưa kể, thủ tục, kinh phí trùng tu khó khăn. Quá trình hoàn thiện, phê duyệt dự án mất nhiều thời gian cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bảo tồn, trùng tu di tích do giá cả vật liệu tăng lên so với đề xuất ban đầu.
Với vai trò của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Võ Trọng Nam thẳng thắn nhìn nhận: Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích còn nhiều bất cập, rào cản, thách thức. Một số di tích, công trình kiến trúc lâu đời đã bị “xóa sổ” do trong quá trình quy hoạch giao thông, phát triển đô thị, đơn vị chức năng đã bỏ sót khu vực bảo vệ di tích hoặc quá trình phân loại di tích, di sản chậm, dẫn đến việc nhiều di tích lại nằm trong khu vực quy hoạch.
Từ thực tế ở địa phương, đề cập trường hợp di tích bị xuống cấp nhưng không được bảo tồn toàn diện do thiếu kinh phí, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Định, Quận 1 chia sẻ: Đình Nam Chơn nằm trên địa bàn phường là một di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng Di tích cấp thành phố. Đình hiện đã xuống cấp, mái bị dột, cột mối mọt. Năm 2016, dù đã được khảo sát và lên phương án sửa chữa nhưng do kinh phí quá cao, di tích mới chỉ được sửa chữa tạm thời, chưa thể khắc phục hoàn toàn tình trạng xuống cấp.
Cũng đề cập đến khó khăn trong bảo tồn di tích, ông Phạm Thanh Lâm - Trưởng ban Quản lý di tích đình Chí Hòa nêu thực trạng: Đình Chí Hòa là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cổ đã được xếp hạng Di tích quốc gia. Thời gian qua, tuy đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm, song công tác bảo vệ đình gặp khó khăn do tại khu vực bảo vệ của di tích, có trường hợp sau khi lấn chiếm lại được hợp thức hóa bằng “sổ đỏ”, gây khó cho việc bảo vệ, đảm bảo an ninh trong khu vực di tích.
Bài 2: Thực hiện đồng bộ các giải pháp