"Đi đến nơi mà ta muốn quên đi"

Triển lãm sắp đặt video (Installation video) có cái tên rất gợi tò mò này sẽ diễn ra tại Viện Goethe (Hà Nội) trong thời gian vỏn vẹn từ ngày 10 - 13/9/2011. Triển lãm do nghệ sĩ Trương Quế Chi thực hiện, với sự bảo trợ của Quỹ phát triển và trao đổi Văn hóa Đan Mạch và Viện Goethe tại Hà Nội.

“Đi đến nơi mà ta muốn quên đi” sẽ đưa người xem vào một không gian được xây dựng bởi những ký ức cần quên lãng của những người ẩn danh, những nhân vật không căn cước. Những ký ức này cũng đã bị biến dạng và trở nên ẩn danh... Tất cả được trưng bày trong một phòng tối vừa giống một sân khấu lễ đường vừa giống một căn phòng nhỏ xưng tội. Không thể không phản tư (self-reflexive) vào chính kí ức của mình khi gặp khuôn mặt của bản thân trên mặt kính, dưới bóng đèn duy nhất của căn phòng rọi từ trên xuống và cuối cùng, bước qua tấm rèm đen để thoát khỏi tất cả như vừa trải qua một lễ nghi....

Trương Quế Chi cho biết, không gian của “Đi đến nơi mà ta muốn quên đi” là một khung phòng tối không ánh sáng, bọc bởi một lớp nilon đen, có cửa ra và cửa vào được rủ rèm đen như các phòng xưng tội. Trong khung phòng, hai hàng tivi luôn được mở luân hồi được đặt trên các bục trắng như những vật trưng bảo tàng xếp kín sát hai cạnh phòng. Đi tới cuối căn là một ti vi không hoạt động, có ánh sáng của một đèn sân khấu rọi xuống, phía sau là rèm cửa ra.

"Triển lãm “Đi đến nơi mà ta muốn quên đi" xây dựng một không gian tối, kín, trang nghiêm theo không khí của một nơi cầu tự, giống thánh đường, giống một căn xưng tội. Suy cho cùng, những ký ức mà ta muốn quên đi là phần ký ức ẩn giấu lẩn khuất được mường tượng như một hộp đen của tâm hồn.

Trong triển lãm này, tác giả cũng sử dụng các video quay lại các tâm sự về phần kí ức muốn quên đi của các nhân vật ẩn danh. Tác giả chuẩn bị và thực hiện các đối thoại riêng tư với các nhân vật đi kèm bảo đảm không tiết lộ hay phát tán bất cứ thông tin nào trong đoạn băng được quay. Nhân vật là nghệ sĩ, là cựu chiến binh, là sinh viên đại học, là học sinh tiểu học, là người dân lao động, là bất cứ ai không ngoại lệ. Họ đứng trước máy quay để lựa chọn và tâm sự về ký ức muốn quên đi của quãng thời gian đã sống của mình.

Video được chiếu luân hồi trên hai dãy ti vi trưng bày trong tác phẩm sẽ đảm bảo tính bảo mật của thông tin được phát ngôn thông qua hình thức dựng phim: Phương pháp làm méo tiếng và giãn thời gian một cách tối đa. Người xem khi bước vào căn-phòng-tác-phẩm sẽ chỉ được tiếp cận được một cách rõ ràng khuôn mặt của nhân vật nhưng không thể tiếp cận được tới thông tin được nói bởi nhân vật. Miền kí ức ám ảnh cần quên lãng lẫn ở trong sự hỗn độn của âm thanh khó tách biệt, khó nắm bắt giống như chủ ý của sự quên lãng. Tập hợp kí-ức-cần-quên luân hồi biến tác phẩm không chỉ thành một hộp-đen cá nhân mà thành một hộp-đen của một tập thể, nơi chứa đựng những ám ảnh quá khứ của một số đông, trở thành miền-cần-quên-lãng của con người theo nghĩa rộng"- Trương Quế Chi bật mí.

Trương Quế Chi sinh năm 1987 ở Hà Nội, tốt nghiệp khoa Điện ảnh đại học Lyon 2 tại Pháp. Cô được biết đến với tư cách là một giọng thơ trẻ Hà Nội, cô đã ra mắt tập thơ đầu tay "Tôi đang lớn" vào năm 18 tuổi, cũng từng đoạt Giải nhất thơ báo Người Hà Nội năm 2007. Cô cũng từng tham gia các hoạt động trình diễn thơ.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN