Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, phim Việt Nam vẫn chưa vươn ra được thị trường thế giới. Còn để chạm tay được vào giải Oscar hay Cannes thì lại càng không dễ dàng. Trong khi đó, điện ảnh ngoài việc là một ngành nghệ thuật quan trọng, còn được coi như là “sứ giả” mang hình ảnh về đất nước, con người ra thế giới. Vậy để hòa nhập được với xu thế chung của điện ảnh thế giới, điện ảnh Việt Nam cần phải làm gì?
Bài 1: Phim thương mại thắng thế
Phim thương mại là cách gọi để chỉ những bộ phim có doanh thu và lợi nhuận cao. Phim nghệ thuật (còn gọi là phim tác giả, phim độc lập) là để chỉ những bộ phim chú trọng đến yếu tố tìm tòi sáng tạo và thể nghiệm nghệ thuật. Trong đó, số lượng phim thương mại được sản xuất hàng năm chiếm tới 90%, còn các phim lịch sử, phim tác giả và phim chính luận chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 10%.
Ở Việt Nam, tuy không chính thức, nhưng khái niệm phim thương mại, phim nghệ thuật cũng đã xuất hiện, nhất là khi Luật Điện ảnh được sửa đổi, cho phép tư nhân được tham gia sản xuất phim.
Một cảnh trong phim “Cô dâu đại chiến”. |
Theo tiêu chí đánh giá của các nhà phê bình lý luận, các chuyên gia thẩm định nghệ thuật điện ảnh trên thế giới, thì phim tác giả ngoài sự thể nghiệm có tính nghệ thuật cao, còn có giá trị thẩm mỹ, khám phá sáng tạo mới mẻ, độc đáo, mang dấu ấn đậm nét của tác giả. Phim thương mại (phim bom tấn) thì chú trọng nhiều hơn đến thị hiếu khán giả, bởi vấn đề sống còn là phim phải thu hút khán giả để thu hồi vốn và có lãi. Chính vì vậy, dòng phim thương mại thường dễ xem và thu hút một lượng lớn khán giả đến rạp. Dòng phim này thường đáp ứng đúng thị hiếu của khán giả, khai thác những vấn đề thời sự, nóng bỏng, gần gũi đời sống, tuy nhiên nó cũng có thể khiến người xem dễ “quên” hơn. Còn với dòng phim nghệ thuật, tuy được đầu tư công phu, có tính nghệ thuật cao và khi mang đi dự thi các liên hoan phim thường chiếm giải thưởng uy tín, có giá trị cao, nhưng số lượng khán giả xem không nhiều bởi đây là dòng phim khá kén người xem và tương đối khó xem.
Mặc dù ít và là phim kén khán giả, nhưng đối với một nền điện ảnh quốc gia, thì lại không thể thiếu dòng phim tác giả, bởi dòng phim này dễ thành công và giành giải thưởng cao khi tham dự tại các liên hoan phim quốc tế danh giá. Và đây là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để có một vị trí trên bản đồ điện ảnh thế giới. Thực tế đã chứng minh, Việt Nam đã có khá nhiều phim tác giả có được những thành công ở các LHP quốc tế. Đặc biệt là 2 năm gần đây, phim Việt Nam đã hiện diện chính thức trong hai LHP danh giá nhất thế giới, đó là “Chơi vơi” (2009) của Bùi Thạc Chuyên với giải thưởng của Fipresi tại LHP Venice và LHP Cannes – “Bi, đừng sợ” (2010) với giải thưởng SCAD và ACID/CCAS...
Đối với dòng phim thương mại, tuy còn ít ỏi nhưng cũng có một số phim Việt Nam đã thu hút được khá đông khán giả như “Gái nhảy”, “Lọ lem hè phố”, “Những cô gái chân dài”, “Nữ tướng cướp”... Và mới đây, những bộ phim Tết 2011 cũng đưa về con số doanh thu khá ấn tượng: “Cô dâu đại chiến” thu gần 40 tỉ đồng sau hơn một tháng ra rạp, “Để mai tính” thu khoảng 30 tỉ đồng, “Bóng ma học đường” thu 22 tỉ đồng trong 12 ngày công chiếu, “Cánh đồng bất tận” thu 17 tỉ đồng sau một tháng đến với khán giả, “Thiên sứ 99” thu trong hai tuần là 10 tỉ đồng...
Trong khi đó, khá nhiều bộ phim nghệ thuật, mang về nhiều giải thưởng quốc tế uy tín như “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hay gần đây nhất là phim “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di, tuy được đánh giá cao về nghệ thuật, giành được những giải thưởng quốc tế song lại là những phim không mấy ăn khách khi ra rạp, thậm chí có người còn nói vui đó là những phim làm ra để đem đi nước ngoài chiếu... Đó là những nghịch lý không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà cả trên thế giới, bởi dòng phim nghệ thuật này thường rất khó xem và kén người xem, thêm vào đó, việc phổ biến dòng phim này ra ngoài thị trường vẫn còn nhiều hạn chế.
Lộc Phương
Bài 2: Phổ biến phim nghệ thuật - còn nhiều khó khăn