Hội thi thu hút 63 đội với hàng trăm thí sinh và cổ động viên là đoàn viên, công nhân viên chức người lao động tham gia trang trí trực tiếp trên nón lá (có đường kính 41cm) bằng nhiều hình thức như: vẽ bằng sơn nước, sơn dầu, màu nước; kết cườm, đính đá, hạt màu, hạt gỗ, hoa khô...
Các tác phẩm có nội dung xoay quanh về hình ảnh ca ngợi quê hương - đất nước; ca ngợi Đảng; Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Tôn Đức Thắng; truyền thống của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước; ca ngợi giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, các lĩnh vực ngành nghề lan tỏa niềm tin yêu trong công việc và trong cuộc sống.
Theo bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, hội thi nằm tạo môi trường giao lưu, sân chơi lành mạnh trong đoàn viên, công nhân viên chức lao động, nhất là nữ giới trong dịp tháng 3 gắn liền với lễ hội áo dài Thành phố Hồ Chí Minh. Đây còn là dịp để các thí sinh phát huy tính sáng tạo, kỹ năng khéo léo, khắc họa những hình ảnh đẹp về tình yêu quê hương đất nước, hình ảnh đẹp trong lao động sản xuất, cho đoàn viên, người lao động.
"Các tác phẩm đều thể hiện rõ chủ đề hội thi; bố cục cân đối, đường nét màu sắc hài hòa; nhiều tác phẩm có tính sáng tạo, thể hiện tính nghệ thuật cao, có ý nghĩa thông điệp truyền tải, có bài thuyết minh ngắn gọn. Mỗi tác phẩm cũng được thí sinh khai thác theo một hướng riêng như: sản phẩm ứng dụng được, sản phẩm có màu sắc, bố cục, chất liệu thẩm mỹ sáng tạo, mới mẻ, kỹ thuật tạo hình nổi… qua đó, góp phần tô điểm cho những chiếc nón lá - một biểu tượng gắn liền với tà áo dài và vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam", bà Lê Thị Bích Hạnh cho biết.
Tham dự hội thi, nhiều nhóm thí sinh đã khắc họa lên những chiếc nón lá hình ảnh khát vọng vươn xa; đoàn kết và phát triển; Việt Nam trong tôi; môi trường xanh; phụ nữ Việt với nón lá trong tà áo dài dạo quanh Hồ Gươm...
Đại diện nhóm giáo viên Công đoàn cơ sở trường Mầm non 5B, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sơn màu nước đính với những hạt lúa đã được kết hợp để tạo nên gam màu chân thật làm bức tranh nổi bật và sống động hơn. “Mục tiêu của nhóm đến với hội thi là giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời cũng muốn giới thiệu với người xem tác phẩm mới lạ khi phối kết hợp cùng lúc nhiều chất liệu tự nhiên…”, đại diện nhóm giáo viên trường Mầm non 5B chia sẻ.
Theo Ban Tổ chức, hội thi mong muốn lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội, nhất là đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động về hình ảnh chiếc nón lá và việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của người Phụ nữ Việt Nam thông qua chiếc nón lá.