Dù cả những người làm văn hóa và du lịch đều gặp nhau ở ý tưởng chung này nhưng nhiều năm qua, con đường đưa nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm du lịch luôn gặp khó.
Khát khao thành sản phẩm du lịch
Trong khi các sân khấu, điểm biểu diễn vắng bóng khán giả, hướng đi có thể kỳ vọng nhất cho những người làm nghệ thuật là biến những chương trình biểu diễn thành sản phẩm du lịch. Lợi ích kép có thể thu được từ việc quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống và hơn cả là một nguồn thu để sân khấu, điểm biểu diễn thường xuyên sáng đèn, người nghệ sỹ có thể sống được với đam mê của mình.
Các con rối chuyển động linh hoạt trên mặt nước nhờ sự điều khiển của các nghệ sĩ múa rối. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Ý tưởng này không chỉ dừng lại ở sự mong mỏi mà trở thành khát khao của những người làm nghệ thuật. Với Hà Nội, nơi quy tụ nhiều nghệ thuật truyền thống đặc sắc như rối nước, ca trù, chầu văn, cải lương, chèo, các diễn xướng dân gian tại lễ hội…, hơn nữa lại là trung tâm du lịch của cả nước, việc biến nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm du lịch là hoàn toàn có thể.
Nhà hát Múa rối Thăng Long thành công trong việc thu hút khách du lịch khi cả 365 ngày trong năm đều kín lịch diễn, do lợi thế về địa điểm cùng sự năng động sáng tạo trong hoạt động. Ngoài Nhà hát Múa rối Thăng Long, các đơn vị nghệ thuật khác luôn chật vật trong thu hút khách dù đã dồn công sức, tâm huyết vào hướng đi này.
Gần 10 năm trước, Nhà hát Chèo Hà Nội đã từng dựng chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc kết nối với các đơn vị lữ hành, công tác quảng bá chưa tốt, hiệu quả không cao. Không nản chí, năm 2013, Nhà hát tiếp tục dựng sản phẩm “Long Thành diễn xướng” quy tụ các loại hình nghệ thuật vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Chương trình đã được một số doanh nghiệp lữ hành đưa vào tour tuyến, khách du lịch đã biết đến sản phẩm nghệ thuật này, tuy chưa được như mong đợi nhưng bước đầu đã có chuyển biến tốt. Giữa năm 2017, chương trình “Hà Nội đêm thứ 7” của Nhà hát tiếp tục ra mắt, diễn ra đều đặn vào tối thứ 7 hàng tuần với đối tượng hướng đến là khán giả Thủ đô và khách du lịch.
Nhà hát Kịch Hà Nội với vở diễn “Tứ phủ” lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng, kỳ vọng sẽ là điểm nhấn trong thu hút khách du lịch, song chưa tạo ra sự đột phá như mong muốn ban đầu. Nhà hát Cải lương Hà Nội dựng vở “Mệnh đế vương” nhưng do thời lượng kéo dài, chưa phù hợp với nhu cầu của khách nên cũng chìm dần. Rút kinh nghiệm từ việc này, Nhà hát tiếp tục dựng chương trình giới thiệu văn hóa các vùng miền Việt Nam, duy trì vào thứ 5 hàng tuần và đã kéo dài được hơn bốn năm.
Mới đây, Nhà hát Kịch Việt Nam hợp tác với Công ty Du lịch Vietrantour xây dựng và giới thiệu chùm sản phẩm tour kết hợp xem các chương trình biểu diễn kịch của nhà hát. Theo thỏa thuận, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ duy trì sáng đèn các đêm diễn vở “Kiều” vào 20 giờ thứ 6 hàng tuần và ưu tiên dành 60% vé xem kịch cho du khách của Vietrantour.
Nhà hát Lớn Hà Nội cũng bắt đầu thu hút khách du lịch đến tham quan công trình nhà hát và xem biểu diễn nghệ thuật. Ngoài ra, nhiều câu lạc bộ nghệ thuật khác như: Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội…cũng biểu diễn định kỳ tại các di tích trong khu phố cổ Hà Nội nhằm phục vụ khách du lịch.
Muôn vàn điều khó
Loại trừ số ít nhà hát thu hút tốt khách du lịch như Nhà hát Múa rối Thăng Long, đa phần các đơn vị, các câu lạc bộ nghệ thuật tại Hà Nội đang vất vả trong hấp dẫn khách du lịch đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Dù các nhà hát, câu lạc bộ đã ý thức kết nối với doanh nghiệp lữ hành nhưng do họ chưa hiểu sâu về nhu cầu, thị hiếu của khách để tổ chức những chương trình hoàn hảo, các dịch vụ phục vụ phù hợp.
Rước kiệu quan, một tiết mục đặc sắc được tái hiện trong rối nước. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Vì vậy, sau mỗi buổi tọa đàm, hội thảo, các chương trình kết nối, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành còn chưa mặn mà đưa khách đến tham dự. Chỉ một số ít doanh nghiệp đưa vào chương trình tour, tổ chức đưa khách đến nhưng lượng khách cũng chưa nhiều. Điều đáng nghi nhận của các nhà hát tại Hà Nội là dù vạn sự khởi đầu nam song họ chưa bao giờ từ bỏ ý định biến chương trình biểu diễn nghệ thuật thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Nghệ sỹ Lê Thị Bạch Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội từng trăn trở, có những đêm diễn chỉ có một khách nước ngoài đến xem nhưng các ca nương, kép đàn vẫn say sưa đàn hát như chốn đông người. Chương trình vẫn đảm bảo biểu diễn trong một giờ đồng thời tạo điều kiện cho khách giao lưu, trải nghiệm với các nhạc cụ mà không cắt bớt thời gian. Khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi sự độc đáo của nghệ thuật ca trù và tinh thần hiếu khách của các nghệ sỹ.
Tuy nhiên, họ không thể hiểu nỗi niềm của các nghệ sỹ khi đêm diễn chỉ phục vụ duy nhất một khách. Ngay cả Nhà hát Cải lương Hà Nội hiện sở hữu điểm diễn ở vị trí đẹp, ngay phố Hàng Bạc, nơi tập trung rất đông du khách nước ngoài, song lịch biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch khá thưa thớt.
Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội chia sẻ, mỗi tháng, Nhà hát chỉ biểu diễn 4 buổi vào thứ 5 hàng tuần nhưng mỗi buổi chỉ khoảng 50 khách đến xem. Theo ông Trần Quang Hùng, mặc dù ít nhưng duy trì lượng khách như vậy vẫn là điều may mắn cho Nhà hát. Muốn đưa chương trình nghệ thuật vào tour của các công ty du lịch nước ngoài (đối tác đưa khách du lịch quốc tế sang Việt Nam), cần một khoản kinh phí rất lớn, Nhà hát lại không có nguồn. Điều cần thiết bây giờ là các cơ quan chức năng cần hỗ trợ cho các nhà hát trong việc thu hút khách đến xem nghệ thuật truyền thống.
Những năm qua, Sở Du lịch Hà Nội đã cố gắng kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành và các nhà hát để đưa khách đến thưởng thức nghệ thuật. Nhiều buổi tọa đàm được tổ chức, doanh nghiệp chỉ ra những vấn đề chưa phù hợp để nhà hát chỉnh sửa. Song để đưa khách đến thường xuyên, cả cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và cả đơn vị nghệ thuật phải cùng nhau tháo gỡ những nút thắt.