'Đường đời dốc đứng' và câu chuyện đời đầy thăng trầm của Nguyễn Hữu Khai

Tiểu thuyết “Đường đời dốc đứng” của tác giả Nguyễn Hữu Khai vừa được NXB Hội Nhà văn ra mắt bạn đọc; là câu chuyện về chính cuộc đời truân chuyên của tác giả, một con người đầy ý chí và bản lĩnh.

Những lời “dứt ruột”


“Đường đời dốc đứng” được tác giả Nguyễn Hữu Khai sáng tác trong quãng thời gian rơi vào vòng lao lý. Tác phẩm mang dáng dấp của một cuốn hồi ký, với độ dày hơn 600 trang, được chia làm hai phần: “Nối tiếp Đường đời” và “Chuyện trong tù”. Tác giả Nguyễn Hữu Khai dường như khắc họa cuộc đời mình qua lối viết tự sự và những chi tiết chân thực, ngồn ngộn chất đời sống.

Tác giả Nguyễn Hữu Khai.

Lấy nguyên mẫu từ chính cuộc đời nhiều thăng trầm của tác giả, “Đường đời dốc đứng” hấp dẫn bạn đọc bởi cách kể chuyện khá sinh động, giàu thông tin và những chi tiết cảm động về nghề thuốc, nghề võ, nghiệp làm thầy, và cả cái nghiệp làm con người hảo hán…


Những tình huống thể hiện tài năng chẩn trị bệnh tật của nhân vật chính, những câu chuyện xoay quanh sự va chạm, ân oán của giới giang hồ, và cả những mối tình đầy hoài niệm… được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ có phần thô ráp, khiến cho người đọc có cảm giác như đang được trực tiếp ngồi nghe tác giả kể câu chuyện đời mình với nhiều cung bậc cảm xúc và tình tiết lôi cuốn.

Buổi ra mắt tiểu thuyết "Đường đời dốc đứng".

Qua những câu chuyện thăng trầm đó, những câu chuyện mà hẳn rằng, tác giả cuốn sách - nguyên mẫu của nhân vật, phải trải nghiệm bằng nước mắt, bằng máu và bao nhiêu dằn vặt, nung nấu của bản thân – đã cho thấy cái nhìn thẳng thắn, mạnh mẽ mà nhân ái với cuộc đời; cho thấy một bản lĩnh của ý thức dấn thân, dám sống, dám đương đầu với thử thách khắc nghiệt để tồn tại, khẳng định mình; và hơn thế, để cho cả những người khác cũng có được cơ hội sống tốt đẹp, lương thiện và nhân ái.


Có lẽ đó cũng chính là lí do “Đường đời dốc đứng”, ngay từ khi còn là bản thảo, đã thu hút được sự chú ý của nhiều cây bút chuyên nghiệp. Nhà báo Đinh Đức Lập – nguyên Tổng biên tập báo Đại đoàn kết chia sẻ: “Đọc “Đường đời dốc đứng” mới thấy hết cuộc đời vô cùng gian khổ, có thể nói là khốc liệt của Nguyễn Hữu Khai. Song cũng qua đó, ta thấy một Nguyễn Hữu Khai uyên bác, hiểu đời sâu sắc, không chịu đầu hàng số phận… Phần hai của tiểu thuyết mang tên “Chuyện trong tù” là một tập hợp những chuyện hấp dẫn với vô vàn chi tiết sống động “độc nhất vô nhị. Nguyễn Hữu Khai mô tả hiện thực cuộc sống trong tù, chân dung, chiêu trò cùng thành tích bất hảo của nhiều nhân vật cộm cán đang thụ án với một cách nhìn nhân văn, hướng thiện. Đặc biệt qua những câu chuyện với các nhân vật, ông đã lý giải được nhiều hiện tượng xã hội như sự tồn tại của giang hồ, triết lý nhân quả và trên hết là sự hướng thiện…”.


Còn nhà văn Võ Khắc Nghiêm, trong lời tựa cuốn sách, đã viết: “…toàn bộ cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn chất thô ráp của một tảng đá quý trên vách đứng cuộc đời. Tính chân thực của biết bao chi tiết dồn nén thân phận các nhân vật, cuốn hút người đọc khó rời khỏi trang sách”.


Một “đường đời” truân chuyên… hơn tiểu thuyết


Tác giả Nguyễn Hữu Khai sinh năm 1952, trong một gia đình đông anh em tại xứ Đoài (nay là xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ông được nhiều người biết đến với tư cách là một tiến sĩ y học, một thầy thuốc ưu tú, một võ sư và một doanh nhân ghi nhiều dấn ấn với thương hiệu Y dược Bảo Long. Cuộc đời nhiều thăng trầm của ông từng được tác giả Hoàng Dự viết thành cuốn tiểu thuyết mang tên “Đường đời” và được dựng thành phim truyền hình dài tập “Đường đời” vào năm 2005.


Cuộc đời của Nguyễn Hữu Khai luôn có những lối rẽ bất ngờ từ khi còn rất trẻ. Đang học dở lớp 10, chàng thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ nhưng lại phải ra quân sớm do gặp vết thương ở đầu trong trận đánh ở Thành cổ Quảng Trị. Về quê, theo mong muốn của gia đình, ông theo học bổ túc và thi đỗ vào đại học Kiến trúc nhưng rồi lại bỏ dở con đường trở thành một kiến trúc sư khi em gái bị bệnh dẫn đến mù lòa.


Năm 1984, ông Nguyễn Hữu Khai quyết định đưa vợ con vào Nam lập nghiệp. Tại đây, ông quen biết một nhóm thầy thuốc Đông y, cùng họ lập ra một xưởng tự bào chế thuốc và vận dụng những ngón võ đã được học để bán thuốc dưới hình thức "Sơn Đông mãi võ" trên các khu phố ở Sài Gòn.

Tác phẩm "Đường đời dốc đứng".

Năm 1989 là một năm ghi dấu ấn trong cuộc đời ông Nguyễn Hữu Khai khi ông thành lập được xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long. Sau rất nhiều gian truân để tồn tại, những năm cuối thập kỉ 90, Bảo Long trở nên ổn định hơn và phát triển thêm nhiều cơ sở.


Năm 2005, Tập đoàn Y dược Bảo Long chính thức thành lập và phát triển với những sản phẩm mang thương hiệu Việt có giá trị, trị các bệnh cơ xương khớp, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu…


Danh tiếng của Bảo Long không chỉ nổi bật trong nước mà còn vươn ra các thị trường khó tính như Nga, Đức… Bên cạnh các cơ sở sản xuất thuốc và chữa bệnh như Bảo Long đường, Công ty Dược liệu Sìn Hồ, ông Nguyễn Hữu Khai còn tiếp tục nghiệp dạy võ thuật, sáng lập ra môn pháp "Bảo Long y võ", mở trường THPT Võ thuật Bảo Long. Ông cũng thành lập Bệnh viện đa khoa Bảo Long, chữa trị cho nhiều bệnh nhân mà Tây y đã trả về.


Năm 2011 ông Nguyễn Hữu Khai được Đài Truyền hình KenJa (Nhật Bản) bình chọn là 1 trong 10 doanh nhân nổi tiếng Việt Nam và 1 trong 500 doanh nhân nổi tiếng Châu Á. Ông cũng được Viện hàn lâm Khoa học Xê chê nốp (Liên bang Nga) phong tặng học vị tiến sĩ danh dự. Trong nước, ông được công nhận là thày thuốc ưu tú, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.


Dưới sự lãnh đạo của lương y- doanh nhân Nguyễn Hữu Khai, Bảo Long trở thành một là một thương hiệu Việt uy tín và chứa đựng nhiều giá trị nhân văn. Một thương hiệu không chỉ đạt được nhiều thành tựu trong kinh doanh mà còn có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển bản sắc độc đáo của y học cổ truyền và võ thuật cổ truyền, đồng thời tích cực tham gia các công tác thiện nguyện vì cộng đồng.


"Văn học như một cứu cánh cho cuộc đời. Quãng thời gian ở tù, tôi đã dùng văn học để giãi bày tâm sự, để chia sẻ với bạn bè, gia đình...”- tác giả Nguyễn Hữu Khai.

Tuy nhiên, kinh nghiệm kinh doanh của một người dành quá nhiều tâm huyết cho nghiệp y như thầy thuốc Nguyễn Hữu Khai đã không đủ để chống chọi với sự khốc liệt của thương trường. Bảo Long đã gặp nhiều khó khăn và đứng trên bờ vực phá sản. Mong muốn cứu lấy cơ ngơi dày công xây dựng đã khiến ông có những quyết định không chính xác, đánh mất hết sản nghiệp và rơi vào vòng lao lý với 26 tháng ngồi tù. Đó chính là quãng thời gian lương y Nguyễn Hữu Khai viết Đường đời dốc đứng.


Đầu năm 2015, ở tuổi 63, với hai bàn tay trắng, Tiến sỹ, Thầy thuốc ưu tú, võ sư Nguyễn Hữu Khai lại bắt đầu xây dựng lại tập đoàn Y Dược Bảo Long. Một chặng đường mới lại bắt đầu với con người nhân ái và chưa bao giờ đầu hàng số phận.


PT/ Báo Tin Tức
'Bến không chồng' từ tiểu thuyết lên phim truyền hình
'Bến không chồng' từ tiểu thuyết lên phim truyền hình

Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam ngày 24/10 cho biết: “Thương nhớ ở ai” là bộ phim truyền hình dài 34 tập sẽ lên sóng truyền hình từ ngày 4/11 tới đây, trong khung giờ phim "Rubic 8" trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN