Mùng 7 Tết, ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Lịch, thôn An Thái, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì, Phú Thọ rộn ràng với những câu hát được coi là đặc sản của đất Tổ: "Tay bưng chén muối… ối a đĩa gừng/Gừng cay muối mặn… ối a xin đừng… xin đừng quên nhau…”. Đây là buổi học đầu xuân Nhâm Thìn của lớp học hát Xoan do bà Lịch, người đã dành cả cuộc đời mình cho điệu Xoan, đang truyền dạy cho các em nhỏ ngay tại nhà mình.
Ngân mãi điệu Xoan
Bà Nguyễn Thị Lịch sinh ra và lớn lên trên quê hương đất Tổ, trong một gia đình có truyền thống hát Xoan, ông nội và bố của bà đều là những trùm Xoan nổi tiếng. Ông nội bà Lịch là cụ Nguyễn Văn Trìu, một nghệ nhân hát Xoan có tiếng của tỉnh Phú Thọ. Khi ông mất đã trao lại sứ mệnh trùm phường Xoan cho con trai là Nguyễn Tất Thắng (bố đẻ bà Lịch).
Truyền dạy hát Xoan tại đình An Thái, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN
|
Cụ vốn là một chiến sỹ Công an của tỉnh Phú Thọ, cũng là người rất nặng lòng với hát Xoan và rất có công trong việc lưu giữ các tài liệu về Xoan, cũng như đau đáu với việc gìn giữ, truyền dạy hát Xoan đến các thế hệ sau này. Ngay từ nhỏ, bà Lịch đã theo gánh hát của ông nội đi biểu diễn, thức cùng những canh hát thâu đêm suốt sáng. Đến năm 13 tuổi, bà đã thuộc hết 14 quả cách (làn điệu), cách nhả hơi, luyến chữ... và trở thành đào nương trẻ tuổi của làng An Thái.
Năm 1996, cụ Thắng đứng ra vận động thành lập Câu lạc bộ hát Xoan An Thái và bà Lịch là người trẻ nhất tham gia câu lạc bộ. Ban đầu chỉ có gần 20 người tham gia, dần dần số người ngày một đông. Từ khi có Câu lạc bộ hát Xoan, những quả cách được phục dựng, những lời kép, lời đào lại được luyến láy ngân vang bởi những người dân đất Tổ. Với bà Lịch, những làn điệu Xoan đã ăn vào máu thịt của bà từ nhỏ. Bà tâm sự: "Hồi tôi còn nhỏ theo gánh hát của ông nội, học hát mới thấy mê đắm từng làn điệu. Càng lớn càng thấy giá trị không thể đo đếm của điệu Xoan”.
Cần mẫn truyền dạy
Yêu hát Xoan, gắn bó với khúc môn đình của quê hương từ nhỏ, nên khi thấy điệu hát có lúc tưởng như bị lãng quên, bà Lịch đau xót lắm. Bà tâm sự: "Ngày xưa chiến tranh ác liệt là thế, sự sống và cái chết cận kề mà người ta vẫn lạc quan ngân nga điệu Xoan. Thời bình, cuộc sống đã đủ đầy mà người ta lại lãng quên những câu hát như thế thì thật là lãng phí...”.
Tiếp tục di nguyện của người cha quá cố, cộng với tình yêu với Xoan. Bà Lịch không muốn hát Xoan bị mai một, một mình bà đã bỏ công sức đi vận động mọi người gây dựng lại phường Xoan cổ. Trong quá trình đi vận động, bà nhận ra rằng, những thành viên của câu lạc bộ hát Xoan đều là các bậc cao niên, chẳng mấy chốc mà họ sẽ về với tổ tiên, nếu không truyền dạy cho lớp trẻ thì phường Xoan An Thái sẽ chẳng còn đào, kép nào. Nghĩ là làm, bà mở lớp dạy hát Xoan đầu tiên cho các cháu nhỏ ngay chính tại nhà mình. Lúc đầu bà dạy cho chính các cháu của mình, dần dà động viên các bậc phụ huynh cho con em theo học. Những điệu hát Xoan tưởng như sắp thất truyền giờ đây lại được ngân vang trong từng ngõ xóm của An Thái.
“Nhìn các cháu ngân nga với những câu hát, tôi lại nhớ lại những năm tháng thanh xuân của tôi. Ước gì tôi có thể trở lại được tuổi đôi mươi để sống bền bỉ với Xoan hơn nữa...", bà Lịch nói.
Năm 2002, Phường hát Xoan An Thái chính thức được tỉnh Phú Thọ khôi phục lại trên cơ sở câu lạc bộ đã có. Số hội viên tham gia ngày một đông, từ chỗ chưa đến 20 người, đến nay đã thu hút trên 40 đào kép. Lứa học trò đầu tiên của bà Lịch nay cũng đã trưởng thành, nhiều em đã trở thành những kép, những đào chính của Phường Xoan An Thái.
Chia tay với bà Lịch trong không khí xuân vẫn đang tràn về từng ngõ ngách của An Thái, bà tậm sự: "Tôi chỉ có một mong mỏi mọi người con đất Việt đều biết hát Xoan. Người dân đất Tổ đều phải hát hay, hát giỏi và giữ gìn được những điệu Xoan quý báu này”.
Vũ Bắc