Giới nghệ thuật dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long đều xem ông là “cây đại thụ” trong nghề và hết lòng quí trọng. Gần 40 năm qua, ông không chỉ giỏi làm các loại nhạc cụ dân tộc Khmer, mà còn đem hết “lửa” đam mê truyền lại cho các con nối nghiệp truyền thống gia đình và nhiệt tình đóng góp cho xã hội, góp phần gìn giữ và phát huy nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Ông là nghệ nhân Thạch Suôl, ở khóm 1, phường 8, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Ngôi nhà 3 gian của gia đình nghệ nhân Thạch Suôl nằm ngay cửa ngõ vào TP Trà Vinh, khá cũ kỹ nhưng bên trong như một nhà “bảo tàng” văn hóa nghệ thuật dân tộc Khmer thu nhỏ. Trong nhà bày trí khá ngăn nắp nhiều loại nhạc cụ, trang phục cưới, lễ hội… truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Nghệ nhân Thạch Suôl kể lại: Năm 1972, khi ấy ông 25 tuổi, ông rất đam mê chơi đàn, đánh nhạc ngũ âm và các loại trống. Chính tình yêu nghệ thuật ấy đã vun đắp cho tình yêu của ông với cô con gái cưng của nghệ nhân Trương Đen, phụ trách dàn nhạc cụ cho đoàn nghệ thuật Khmer Hậu Giang (gồm tỉnh Cần Thơ – Sóc Trăng trước đây) và trở thành con rể của ông.
Sống cùng gia đình vợ, nghệ nhân Thạch Suôl được cha vợ dạy chơi tất cả các loại nhạc cụ, dạy làm nhạc cụ ngũ âm, trống chánh điện, trống cơm, trống sa dam, đờn cò, đờn gáo, đờn bán nguyệt (khum), đờn tà khê. Kể từ đó, tiếng tăm của nghệ nhân Thạch Suôl không ngừng bay xa. Nhiều chùa Phật giáo Nam Tông, các đoàn nghệ thuật dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long và cả ở Campuchia tìm đến ông để nhờ làm các loại nhạc cụ. Sánh bước cùng chồng, bà Na Ry (tên thật Trương Thị Phen), vợ ông cũng phát triển nghề may trang phục dân tộc, trang trí sân khấu cho các dịp lễ hội, các đoàn nghệ thuật Khmer ở khắp trong và ngoài tỉnh.
Gần 40 năm làm các loại nhạc cụ dân tộc Khmer, nghệ nhân Thạch Suôl không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu dàn ngũ âm, các loại đàn, trống… Ông chỉ nhớ gần 10 năm nay, bình quân mỗi năm, ông nhận được 6-7 đơn đặt hàng làm dàn nhạc ngũ âm, đàn và một số loại trống. Ông tâm sự: “Nghề làm nhạc cụ dân tộc rất thăng trầm, thu nhập không cao, nhưng với tôi là cả niềm đam mê, hơn nữa đây là nghề truyền thống của gia đình nên phải cố gắng gìn giữ”.
Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống, từ nhiều năm qua nghệ nhân Thạch Suôl đã hướng các con mình đi theo con đường nghệ thuật. Và “ngọn lửa” đam mê nghệ thuật đó đã nhanh chóng truyền sang thế hệ thứ 3 của gia đình. Vợ chồng ông có 6 người con, hiện có hai người con trai tiếp bước nghề làm nhạc cụ, ba cô con gái thì có hai cô học làm giáo viên dạy âm nhạc dân tộc Khmer cho trường phổ thông dân tộc nội trú, và một cô theo nghề của mẹ. Trong số các người con của ông, con trai thứ ba là Thạch Anh Xuân tuy mới 37 tuổi nhưng đã là một nghệ nhân tài năng nổi tiếng trong giới nghệ thuật ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài giỏi nghề làm nhạc cụ, Thạch Anh Xuân thường hỗ trợ xây dựng các tiết mục văn hóa văn nghệ dân tộc Khmer, như xây dựng kịch bản, dàn dựng chương trình ca múa nhạc dân tộc Khmer… Năm 2007, anh được Đài Truyền hình CVTV2 mời dàn dựng chương trình “Sắc màu phum sóc”. Cuối năm 2008, Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ tổ chức ở TP Cần Thơ, 4 tiết mục do anh dàn dựng và phối khí cho đơn vị tỉnh Hậu Giang đã đạt Huy chương Vàng và Bạc. Cũng tại ngày hội này, tiết mục hòa tấu ca múa nhạc “Ngày vui được mùa” của đoàn TP Cần Thơ, do anh dàn dựng và phối khí âm nhạc cũng đạt Huy chương Vàng. Đặc biệt, anh là nghệ nhân trẻ duy nhất đã nghiên cứu và biên soạn nên một giáo án kết hợp lý thuyết với thực hành để dạy đánh dàn nhạc ngũ âm thay cho cách truyền nghề truyền thống, giúp người học tiếp thu nhanh.
Cả đại gia đình sinh sống bằng hoạt động nghệ thuật, nhưng nghệ nhân Thạch Suôl và các con luôn sẵn sàng góp sức cho cộng đồng với mong muốn gìn giữ và phát huy nền nghệ thuật của dân tộc. Nhiều năm qua, mỗi khi các chùa Khmer trong tỉnh Trà Vinh mở lớp học đánh nhạc ngũ âm, ca múa nhạc, ông và các con đến giảng dạy miễn phí. Nghệ nhân Thạch Suôl tâm sự: “Là nghệ nhân sáng tác được nhiều ca khúc, điệu múa hay, truyền dạy được cho nhiều thế hệ trẻ để cùng góp sức giữ gìn, phát huy nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc, thì có niềm vui nào bằng...".
Bài và ảnh: Phúc Sơn