Theo ông Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng BTC giải: Tiếp nối thành công của lần I (2007 - 2008), lần II (2009 - 2010), lần III (2011 - 2012), lần IV (2013 – 2014), Giải “Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre” lần V được tổ chức trong năm 2018 nhằm: Tiếp tục khích lệ phong trào sáng tác biếm họa tồn ẩn trong những “nhà báo vẽ” ở khắp mọi nơi; Tổ chức triển lãm về biếm họa, đem lại món ăn tinh thần cho đông đảo người xem; Tiếp tục đưa trở lại và phát huy hơn nữa những sức mạnh vốn có cho thể loại báo chí biếm họa; Là nơi tôn vinh xứng đáng cho các tác giả biếm họa thời kỳ mới. Qua đó, tạo đà để biếm họa nâng tầm hàn lâm về chuyên môn, đại chúng và đa dạng về ngôn ngữ như vị thế của nó ở các nước phát triển.
Lễ phát động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam- Cúp Rồng Tre lần thứ V. |
Giải "Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre" lần V-2018 do báo Thể thao &Văn hóa (TTXVN) tổ chức, với sự bảo trợ của Hội Nhà báo Việt Nam; có chủ đề "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh".
"Nhận thấy rằng, văn hóa ứng xử trong cộng đồng đang có những vấn đề nổi cộm, từ trong lời ăn, tiếng nói hàng ngày, đến trong thái độ và hành vi ứng xử; từ cách hành xử khi tham gia giao thông, tham dự lễ hội, đến lề thói làm việc nơi cơ quan, công sở và cả nền nếp chốn học đường; từ văn hóa ứng xử trong đời thực đến cung cách hành xử trong thế giới mạng ảo… nên chúng tôi đã quyết định lấy đây làm chủ đề cho giải Biếm họa báo chí Việt Nam- Cúp Rồng Tre lần thứ V-2018. Chúng tôi không có tham vọng qua một cuộc thi biếm họa có thể xây dựng được những chuẩn mực "văn hóa ứng xử" của toàn xã hội nhằm giải quyết vấn đề nêu trên, nhưng thông qua tiếng cười của biếm họa, mỗi người có thể tự soi lại bản thân để có những sự điều chỉnh thích hợp. Cuộc thi được triển lãm, trao giải dịp cuối năm sẽ như màn tổng kết về văn hóa ứng xử trong năm. Qua đó, chúng ta sẽ góp phần làm cho xã hội nền nếp, văn minh hơn", ông Lê Xuân Thành cho biết.
Một trong hai tác phẩm đoạt giải Nhất Giải Biếm họa báo chí Việt Nam – Cup Rồng tre lần IV của họa sĩ ZĨN. Ở mùa giải này, tác giả ZĨN đoạt giải Nhất với chùm tác phẩm phê phán nạn chặt chém du khách nước ngoài ở Việt Nam. |
Cũng theo ông Lê Xuân Thành: Với chủ đề “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh”, cuộc thi sẽ sử dụng tiếng cười của biếm họa để “phản tỉnh” mỗi người trong cung cách ứng xử ở mọi nơi mọi lúc. Và cũng không quên rằng, tiếng cười luôn “bằng mười thang thuốc bổ”; thế nên, biếm họa không chỉ có đả kích, phê phán những hành vi “kém văn hóa” trong ứng xử, mà còn cổ vũ những cách cư xử thanh lịch, văn minh. BTC giải thưởng tin vào sức mạnh của biếm họa có thể làm nên một sự chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Đó cũng là cách phát huy truyền thống 96 năm của biếm họa biếm họa Việt Nam trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ cái thiện, cái đẹp, chống cái ác, cái xấu.
Về thể lệ cuộc thi, như các kỳ giải trước, đối tượng tham dự là họa sĩ biếm họa chuyên và không chuyên, cũng như mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam; với số lượng tối đa là 10 tác phẩm/ tác giả. Các tác phẩm đã được đăng báo hoặc sáng tác để đăng báo từ đầu năm 2018 đến thời điểm kết thúc thời hạn nhận tranh lần này (từ 1/1/2018 – 1/12/2018) đều có thể tham gia dự thi. Tác phẩm dự thi tập trung vào văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực tiêu biểu: Văn hóa ứng xử nơi công cộng (đặc biệt là giao thông, lễ hội); Văn hóa ứng xử nơi cơ quan, công sở (đặc biệt là ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, ứng xử trong bệnh viện, ứng xử trong học đường...); Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.
Ban giám khảo cuộc thi năm nay gồm: Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; họa sĩ biếm họa - kiến trúc sư Lý Trực Dũng, Ủy viên BCH Chi hội Đồ họa, phụ trách mảng biếm họa (Hội Mỹ thuật Việt Nam); họa sĩ Thành Chương; họa sĩ biếm Trần Minh Dũng (NHOP); họa sĩ Lê Phương (LEO).
Bức "Nụ cười phong bì" trong chùm tranh giành Giải Nhất Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần IV-2014 của họa sĩ Vũ Thanh Hiền, bút danh Zĩn. |
Lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào cuối năm 2018, với tổng giá trị giải thưởng vào khoảng 50 triệu đồng; gồm: 1 giải Nhất (Cúp Rồng Tre) trị giá 15 triệu đồng và 1 năm báo biếu báo TT&VH; 1 giải Nhì trị giá 8 triệu đồng và 1 năm báo biếu báo TT&VH; 2 giải Ba trị giá 5 triệu đồng/giải; 5 tặng thưởng (khuyến khích) 2 triệu đồng/giải. Bên cạnh đó là 1 giải "Lựa chọn của công chúng" trị giá 3 triệu đồng, dành cho tác phẩm được công chúng yêu thích và đánh giá cao trên chuyên trang của giải thưởng.
Các tác phẩm lọt vào chung khảo và đoạt giải sẽ được triển lãm vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Triển lãm các tác phẩm dự thi xuất sắc mang tên "Táo ứng xử", dự kiến diễn ra tại Không gian công cộng tại Phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) và Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh) nhằm đưa biếm họa tới gần với công chúng, đồng thời để công chúng nhận thức rõ hơn vai trò của văn hóa ứng xử ngay tại nơi mình xem triển lãm. Cùng với các cuộc triển lãm, sẽ diễn ra cuộc tọa đàm về văn hóa ứng xử.
*Cùng với Lễ phát động Giải, báo Thể thao & Văn hóa tổ chức Triển lãm “96 năm Biếm họa báo chí Việt Nam” tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), nhằm tôn vinh các tác phẩm biếm họa tiêu biểu của Việt Nam được đăng báo từ năm 1922, khi Nguyễn Ái Quốc vẽ tranh biếm họa trên báo Le Paria, đến nay. Triển lãm chia thành các giai đoạn: Từ 1922 – 1945; Biếm họa trong kháng chiến chống Pháp; Biếm họa trong kháng chiến chống Mỹ; Biếm họa thời Đổi mới; Biếm họa ngày nay; Tác phẩm biếm họa đoạt giải tại Giải Biếm họa báo chí Việt Nam – cúp Rồng tre lần I, II, III, IV.
Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh:
"Tranh biếm họa đang dần trở lại trong nền báo chí Thế giới, với vị trí rất quan trọng, tất nhiên biếm họa ngày nay phát triển khác với trước kia, vốn chỉ có trên báo in, nay là phát triển trên báo điện tử, với các hình thức tương tác và sự lan truyền mạnh mẽ. Kể từ năm 2015, biếm họa đã trở thành một trụ cột quan trọng của báo chí Thế giới.
Tại Việt Nam, sự tiên phong của báo TT&VH (TTXVN) qua 11 năm với 4 lần tổ chức Giải Biếm họa báo chí Việt Nam- Cúp Rồng Tre, và nay là lần thứ 5, sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy tranh biếm họa Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Nhiều khi, có những bài viết kỳ công, hàng ngàn, nhiều ngàn từ, lại rất khó thu hút người đọc. Nhưng đôi khi, những tranh vẽ lại "đập" vào mắt người ta, giúp người ta nhận biết các vấn đề trong xã hội, trong cuộc sống một cách nhanh chóng, dễ cảm thụ hơn".
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi:
"Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi được đồng hành cùng báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức giải Biếm họa báo chí Việt Nam- Cúp Rồng Tre lần thứ V. Tranh biếm họa có một vị trí rất xứng đáng trong gương mặt báo chí. Trong rất nhiều năm, tranh biếm hóa là thể loại báo chí không thể thiếu đối với nhiều tờ báo, có vị trí quan trọng, làm tờ báo thêm sống động, lý thú. Những năm vừa qua chúng ta theo dõi sẽ thấy tranh biếm họa vắng bóng trên báo chí. Đôi khi tôi cũng không thể lý giải được vì sao tranh biếm họa lại vắng bóng như vậy và cảm thấy thật sự thiếu một thể loại rất lý thú trên gương mặt báo chí Việt Nam.
Lần này, Giải biếm họa báo chí Việt Nam- Cúp Rồng Tre được khởi động lại, coi như vừa rồi ta nghỉ đông, giờ là sang xuân, chúng ta khởi động giải cũng là vào mùa xuân năm 2018. Tôi tin lần trở lại này, với sự tổ chức của TTXVN và sự đồng hành của Hội Nhà báo Việt Nam, với sự tham gia tích cực của rất nhiều họa sĩ nổi tiếng, Giải Biếm họa báo chí Việt Nam- Cúp Rồng Tre sẽ có một sức sống mới. Những tác phẩm biếm họa sẽ không chỉ dự thi, mà sẽ có mặt trên các tác phẩm báo chí.
Năm nay, chủ đề "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh" mà BTC chọn cũng rất tuyệt vời, là vấn đề đang nóng, đang thiếu hiện nay. Đây là vấn đề nóng của xã hội nói chung và đặc biệt là của Thủ đô Hà Nội. Hà Nội bị than phiền nhiều vì văn hóa ứng xử, trong khi ở Thủ đô, văn hóa ứng xử rất quan trọng. Chọn vấn đề văn hóa ứng xử, ứng xử văn hóa là rất đúng vì đó chính là gương mặt của xã hội, xã hội phát triển đến mấy mà văn hóa ứng xử kém thì có nghĩa là chúng ta vẫn sống với nhau chưa tử tế, đó là điều rất căn cốt. Tranh biếm họa phải góp phần vào xây dựng nếp sống văn hóa ấy.
Còn một điều nữa, tranh biếm họa, bên cạnh tính đả kích, tính chiến đấu, phải "nhắm" tới tính xây dựng, sự nhân văn, là điều xã hội đang rất cần. Báo chí phải góp phần vào để bồi đắp những giá trị nhân văn cho xã hội".
Họa sĩ Lý Trực Dũng:
"Chủ đề "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh" là chủ đề rất tuyệt vời. Văn hóa ứng xử trong xã hội văn minh cực kỳ quan trọng, nó phản ánh nền văn hóa, chuẩn đạo đức của một đất nước". |