Giáo phường ca trù Thăng Long: Mong được trở lại... như xưa

CLB ca trù Thăng Long do đào đàn Phạm Thị Huệ, giảng viên khoa Nhạc cụ dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thăng Long (tiền thân là CLB ca trù Thăng Long), cùng hai người thầy của mình là nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ thành lập tháng 8/2006 với mong muốn bảo tồn nghiệp tổ ca trù, gìn giữ những nét độc đáo của văn hóa dân tộc.


Hơn 6 năm nay, Giáo phường ca trù Thăng Long đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và phát huy ca trù, đồng thời là nhóm đi tiên phong trong việc phục hồi hình thức hát cửa đình với đầy đủ các thể thức như dàn bát âm và các làn điệu múa hát cổ cửa đình.


Là người được học chân truyền từ hai nghệ nhân nổi tiếng là cụ Nguyễn Phú Đẹ, nghệ nhân đàn đáy nổi tiếng ở Tứ Kỳ (Hải Dương) và cụ Nguyễn Thị Chúc - một trong số ca nương đích thực hiếm hoi của làng ca trù còn sót lại cho đến ngày nay, chị Phạm Thị Huệ thấy mình là người thật may mắn, và chị mong muốn sẽ có nhiều người cùng học, cùng gìn giữ để nghệ thuật này phát triển.


Lúc đầu, chị dạy cho người trong nhà, nhưng lại lo khi con, em mình trưởng thành, nếu không yêu nghề mà bỏ. Vì vậy, trong đêm kỷ niệm một năm thành lập CLB, chị đã đưa ra một số phiếu mời đăng ký tham gia lớp dạy ca trù miễn phí. Rất may, có khá đông em đăng ký xin học. Từ đó đến nay, CLB của chị vừa tổ chức biểu diễn, vừa dạy hát, dạy đàn cho nhiều người theo học. Hiện chị đang truyền dạy cho hàng chục học trò, thính giả, trong đó có cả cô con gái nhỏ của chị là đào nương Nguyễn Huệ Phương. Tuy mới hơn 10 tuổi, nhưng Phương đã có thể trình diễn những làn điệu khó nhất của môn nghệ thuật này.


Một buổi biểu diễn của Giáo phường ca trù Thăng Long.


Với tinh thần trở về với cội nguồn, CLB ca trù Thăng Long đã thuyết phục được Ban quản lý đình làng Giảng Võ, quận Đống Đa, đình Ngọc Hà, đình Cống Vị (quận Ba Đình) cho phép được hoạt động trong khuôn viên. Sau 3 năm "đỏ đèn" biểu diễn và truyền dạy ca trù ngay trong khuôn viên cửa đình, đến làng Giảng Võ. Từ tháng 10/2010, Giáo phường ca trù Thăng Long kết hợp với Ban Quản lý phố cổ Hà Nội biểu diễn tại đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm vào tối thứ 7 hàng tuần. Đến tháng 10/2011, Giáo phường ca trù Thăng Long tiếp tục có thêm điểm biểu diễn mới tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây vào các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần.


Với mục đích phục dựng lại canh hát chơi, ca quán mẫu mực của giáo phường xưa kia, nên các tiết mục biểu diễn ở đây chủ yếu là những làn điệu cổ như: Hát dâng hương, Tỳ bà hành, Bắc phản, Hát ru, Thét nhạc, Hát nói, Hát mưỡu... Hoạt động này đã mang lại nhiều hy vọng cho ca trù trở lại với đời sống xã hội ngày nay, đồng thời tôn vinh, trân trọng những di sản của cha ông để lại.


Tháng 3/2010, CLB ca trù Thăng Long chính thức ra mắt Giáo phường ca trù Thăng Long. Từ đây Giáo phường ca trù Thăng Long bắt đầu khôi dựng tổ chức mẫu mực của giáo phường xưa kia với mong muốn ca trù sẽ luôn được truyền dạy trong tương lai.


Đứng trên phương diện người quản lý CLB ca trù Thăng Long, hơn ai hết ca nương Phạm Thị Huệ ngoài việc làm sao cho các ca nương, kép đàn có thể sống được bằng nghề, chị còn mong ước ca trù có thể phát triển như… thuở xưa. Tuy nhiên, chị cũng rất buồn khi thấy một số người dân trong khu phố cổ Mã Mây phàn nàn và đề nghị dừng biểu diễn vì nghe... “ghê quá”.


Nhưng nhiều người trong nghề thì cho rằng, đôi khi chỉ cần một khán giả nghe và hiểu, cảm nhận là đủ, không cần phải đòi hỏi quá nhiều, bởi loại hình âm nhạc nào cũng có một lượng khán giả nhất định. Hy vọng trong tương lai, số lượng khán giả biết nghe và thưởng thức ca trù sẽ ngày càng nhiều lên, lúc đó sẽ tăng được số lượng các buổi diễn, đêm diễn, để tiến tới, những đêm diễn của Giáo phường ca trù Thăng Long sẽ trở thành tụ điểm giới thiệu, giao lưu văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.


Xuân Phong - Phương Lan

Nghệ thuật truyền thống:  Muốn bảo tồn, trước tiên phải 'sống'
Nghệ thuật truyền thống: Muốn bảo tồn, trước tiên phải 'sống'

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người yêu nghề có thể sống bằng nghề, tồn tại với nghề, phát triển nghề (cả trong nước và được thế giới biết tới)? Và quan trọng hơn cả là bảo tồn để phát triển chứ không chỉ để tồn tại.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN