Gìn giữ những di sản vô giá của Thủ đô

Trong khuôn khổ các hoạt động kỉ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VI, sáng qua (23/11), tại Hà Nội, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức tọa đàm "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội", với mong muốn đưa ra những đề xuất gợi mở giúp cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả lớn hơn.



Hát ca trù - di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận trong chương trình khai mạc Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 6-Ảnh CTV

Cần bảo tồn nguyên trạng di tích

Theo PGS.TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của quốc gia từ xưa tới nay. Hệ thống di tích lịch sử dày đặc, những phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội dân gian, những diễn xướng dân gian vừa độc đáo, vừa đa dạng và phong phú... chính là di sản vô giá của Thủ đô 1000 năm văn hiến, mà những thế hệ hôm nay và mai sau phải gìn giữ, phát huy.

Nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo thành phố Hà Nội rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Hà Nội. Song, vẫn còn tồn tại nhiều bức xúc về tình trạng lễ hội tràn lan, gây lãng phí; di sản văn hóa, tín ngưỡng dân gian bị bóp méo, làm sai lệch ý nghĩa; di tích bị biến dạng sau khu trùng tu như Ô Quan Chưởng, Thành cổ Sơn Tây... mà dư luận cũng như các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.

Xoay quanh chủ đề này, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Theo TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội: Đang diễn ra tình trạng, người thực hiện việc trùng tu nhiều đình, đền, chùa cũng như di tích trong nước, không nắm được kiến thức, không làm theo quy trình, nên đã làm di tích vừa trùng tu xong lại xuống cấp rất nhanh, thậm chí phá hoại nét cổ kính vốn có của di tích. Hiện chỉ có công trình tu bổ đình Chu Quyến ở xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội là được trùng tu trên cơ sở khảo sát bài bản, nghiên cứu toàn diện kỹ lưỡng theo quy trình khoa học nghiêm ngặt.

Về giải pháp phát huy giá trị của Khu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, ông Sơn cũng đưa ra ý kiến, Khu di sản hiện vẫn chưa có được sự quản lý thống nhất, phần nhiều diện tích di sản vẫn do các cơ quan khác quản lý, sử dụng. Để có được những phương án bảo tồn, phát huy giá trị Khu di sản một cách có hiệu quả, để diện mạo di tích thực sự mang tầm vóc lịch sử như cuốn sử ngàn năm của Thủ đô, cần sớm thống nhất việc quản lý về "một mối". Từ đó, công tác quy hoạch mới có thể đi trước một bước để đặt nền móng cho những kế hoạch lâu dài, thiết thực.

Để chính người dân bảo tồn lễ hội

Nói về thực trạng của lễ hội cổ truyền Thăng Long - Hà Nội trong đời sống hiện nay, PGS-TS Lê Hồng Lý, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 1.000 lễ hội trên tổng số 8.000 lễ hội của cả nước, trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc của riêng Hà Nội. Kinh nghiệm cho thấy, những lễ hội nào do nhân dân quản lý, tổ chức thì sẽ giữ được những nét đặc sắc, truyền thống, như lễ hội của làng Triều Khúc hay Hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò là nhà tư vấn, hỗ trợ nhân dân và tổ chức những lễ hội mang tầm quốc tế như Giỗ tổ Hùng Vương...

Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân - Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đưa ra ý kiến về việc bảo vệ, trùng tu các di tích thờ tổ nghề trên đất Thăng Long - Hà Nội. Theo ông Quân, Hà Nội - Kẻ Chợ là nơi hội tụ đất trăm nghề, những nghề thủ công ấy đến từ khắp nơi, những xứ quanh đô thành Thăng Long - Hà Nội và chính họ đã lập ra nhiều phố "Hàng" ở đất Kẻ Chợ này. Mỗi một nghề xưa đều có tổ nghề và có nơi thờ tổ nghề, những di tích thờ tổ nghề ấy đều đã có vài ba trăm năm. Tuy nhiên, trải qua thời gian, có những ngành nghề còn duy trì được và các đình thờ tổ nghề được trùng tu khang trang. Song cũng có những ngành nghề bị mai một và các di tích thờ tổ nghề bị biến dạng, bị xâm phạm nghiêm trọng. Hiện nay, ở Hà Nội, chưa có ai đề xuất việc điều tra, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các đền, đình thờ tổ nghề này để có cách khắc phục, duy tu, bảo vệ. Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến các đình, đền thờ tổ nghề này, giữ lại những gì còn có thể để cho các thế hệ sau này có dịp tìm hiểu về những nghề và tổ nghề đã góp phần làm nên một Thăng Long - Hà Nội như ngày nay.

Cuộc tọa đàm còn có nhiều ý kiến tham luận bàn về tín ngưỡng dân gian Thăng Long - Hà Nội của PGS-TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa); di sản văn hóa dân gian làng Triều Khúc... cùng nhiều ý kiến trao đổi về gìn giữ và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội giữa các nhà nghiên cứu văn hóa và các bạn trẻ của Thủ đô.


Ánh Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN