Các chức sắc, chức việc đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn ở Ninh Thuận đã tổ chức rước y trang "vị thần” Po Klong Garai lên Tháp. Tại đây, các chức sắc, chức việc và đồng bào Chăm theo đạo tổ chức cúng kính, cầu "vị thần" ban sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Trong không khí vui tươi của lễ hội, Cả sư Đổng Bạ, đại diện các vị chức sắc Chăm Bà la môn cho hay, Lễ hội Katê là dịp để nhắc nhở đồng bào luôn tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”; luôn nhớ ơn Bác Hồ kính yêu đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho toàn dân tộc; đồng thời cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã luôn quan tâm chăm lo đời sống, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một phát triển.
Tại Tháp Po Klong Garai, các vị chức sắc đã thực hiện nghi lễ tôn giáo, xin phép các vị thần linh cho mở cửa tháp, sau đó làm nghi lễ tắm rửa tượng và thay y phục mới cho tượng thần. Các vị chức sắc thay mặt cộng đồng bày tỏ lòng biết ơn các vị thần, tổ tiên đã độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc. Dưới chân tháp cổ, đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn mang lễ vật gồm mâm ngũ quả, mâm cơm, gà, rượu, trầu cau, bánh, hoa quả... dâng cúng lên các vị thần, tổ tiên cầu mong mọi điều tốt đẹp.
Dịp này, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, các đơn vị, địa phương cùng chung vui, tặng quà, chúc các vị chức sắc, đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn hưởng một mùa Katê thật an lành, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, Katê là lễ hội mang những giá trị độc đáo, đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lao động sản xuất, được duy trì và phát triển trong cộng đồng đã trở thành nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận mong muốn các vị chức sắc, chức việc với khả năng và uy tín tiếp tục tuyên truyền, động viên đồng bào Chăm cùng gìn giữ và phát huy những giá trị độc đáo của Lễ hội Katê cũng như các lễ hội truyền thống khác của người Chăm trên địa bàn; tạo cơ hội để văn hóa Chăm, văn hóa Ninh Thuận được quảng bá đến bạn bè và du khách gần xa.
Ông Nguyễn Long Biên đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục có những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể để đồng hành, bảo tồn di sản văn hóa Chăm, bảo tồn và phát triển Lễ hội Katê thời gian tới; nâng tầm quy mô tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng chào mừng, góp phần đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận xứng tầm với quy mô và giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn ở Ninh Thuận hiện có trên 50.000 người, sinh sống tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Lễ hội Katê năm nay diễn ra từ ngày 1 - 3/10, thu hút đông đảo người dân, các nhà nghiên cứu văn hóa cùng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.