Hà Nội qua đôi mắt cô thợ giặt là

Nhà văn Đỗ Bích Thúy vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ ba “Cửa hiệu giặt là”. Với tác phẩm mới này, Đỗ Bích Thúy đã có sự dịch chuyển về không gian. Không còn là núi rừng Hà Giang dung dị, thuần khiết nữa mà là phố phường Hà Nội hiện đại, sang trọng nhưng cũng lắm vất vả, cực nhọc.

Chân dung Đỗ Bích Thúy (ảnh nhân vật cung cấp).

 

Đỗ Bích Thúy quê gốc ở Nam Định, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Giang nên trong chị đã sẵn “không khí” của núi rừng. Sẵn có năng khiếu văn chương, cộng thêm bốn năm làm báo ở Hà Giang, được đi và đắm mình trong không gian văn hóa của các dân tộc, nên viết về đề tài miền núi không có gì lấy làm lạ với chị. Cũng bởi vậy mà người dễ lầm tưởng chị là nhà văn người Mông hoặc người Tày sự đậm đặc văn hóa đồng bào dân tộc trong từng câu chuyện.


Đỗ Bích Thúy bén duyên văn chương từ cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1988 – 1989 với chùm truyện ngắn “Sau những mùa trăng” – “Ngải đắng ở trên núi” – “Đêm cá nổi”. Tiếp sau đó, những tập truyện như: “Những buổi chiều ngang qua cuộc đời”, “Ký ức đôi guốc đỏ”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” càng khẳng định nét riêng độc đáo của chị khi viết về vùng cao. Đó là một Tây Bắc hiện đại tràn đầy sức sống mà vẫn huyền diệu, bí ẩn khác với vẻ hoang sơ mà Tô Hoài đã từng viết.


Nhưng chị viết khác các nhà văn xuất thân là người dân tộc, bởi họ viết về miền núi là viết về chính họ, về những cái đã tồn tại, ăn sâu vào văn hóa của họ bao đời nay. Còn chị là người miền xuôi, sinh ra và lớn lên cùng những người miền núi, thế nên chị viết về vùng cao trong tâm thế của một người đi xa vừa thấy nhớ, vừa thấy đặc sắc, thấy lạ…


Bức tranh cuộc sống đô thị muôn hình vạn trạng, những câu chuyện giản đơn đầy tính nhân văn và rất có thể, khi đang đọc những trang viết của Đỗ Bích Thúy trong “Cửa hiệu giặt là”, độc giả sẽ phải dừng lại một vài phút giây để suy ngẫm trước những xúc cảm giản dị rất đỗi chân thật của chị.

Những sáng tác trước đây của Đỗ Bích Thúy dù được viết bằng thể loại nào cũng đều đi theo mạch đề tài quen thuộc này. Theo thời gian và sự trải nghiệm, cách viết của chị ngày càng “tươi tắn hơn, đa dạng hơn và điêu luyện hơn” như nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Vẫn dựa trên chất liệu cũ, giọng văn trong trẻo, buốt nhói nhưng chị cho rằng đó không phải là “giải pháp an toàn” cho tác phẩm cũng như không sợ mình cũ kỹ, lặp lại. Với chị, quan trọng nhất là tác phẩm có sống lâu trong lòng độc giả hay không, bởi lẽ, người đọc rất tinh, chỉ đọc vài trang, họ sẽ biết ngay là nhà văn viết với mục đích gì.


Nhân vật trong truyện của Đỗ Bích Thúy bao giờ cũng gây ấn tượng mạnh, có sức ám ảnh đối với độc giả. Từ một chi tiết nhỏ đã có thể hình dung về nhân vật rất sống động, cụ thể. Dường như trên trang sách hiện hình rõ nét cả đôi mắt, gò má, khuôn mặt của nhân vật, cả nơi họ đứng ngồi, cả chỗ đặt bếp, nơi treo ngô…


Đỗ Bích Thúy viết có sự dịch chuyển không gian sống khi nói đến đời sống đô thị, không gian thị thành. Đó không phải là sự thử thách, cũng không phải một “thực đơn mới”, chị chỉ muốn viết về nơi đã gắn bó với mình suốt 17 năm qua, đã mang đến cho chị mọi vui buồn, chứng kiến chị đổi thay. Hà Nội đang dần gắn bó với tâm hồn u buồn chầm chậm của chị như những thanh vọng sau bờ rào đá ngày nào. Và “Cửa hiệu giặt là” chính là bức tranh hoàn thiện nhất mà Đỗ Bích Thúy khắc họa về Hà Nội.


Chị kể lại rằng những câu chuyện trong trang sách bắt đầu từ cuộc sống thường nhật diễn ra ở một góc phố Hà Nội, nơi vợ chồng chị có một cửa hiệu giặt là. Đã có những ngày chị đứng là quần áo phục vụ khách từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, từng phải vận dụng hết vốn từ mình có để “cãi nhau” với khách và còn rất nhiều câu chuyện thú vị khác. “Từ lúc nào đó tôi đã là một tế bào của Hà Nội. Tôi muốn sục sạo vào Hà Nội bằng con mắt của một cô thợ giặt là”, Đỗ Bích Thúy nói.


Nhân vật trong “Cửa hiệu giặt là” đều rất đáng yêu, bởi theo tác giả, được sinh ra trên thế gian đã là hạnh phúc rồi! Dù ai đó có khó khăn đến đâu, bất hạnh đến đâu, thì cũng vẫn sẽ tìm thấy tình yêu ở cuộc sống này. Đó là cô Viên đã quá lứa lỡ thì, 35 tuổi mà vẫn chưa lấy chồng khiến bà mẹ già không khỏi lo lắng; ba đứa nhân viên ngoại tỉnh ở tuổi mới lớn với những va đập về tình bạn, tình yêu; cô bé Trinh đầy cá tính nhưng cũng rất “sầu đời” đang mấp mé trở thành công dân Hà Nội; vợ chồng Oanh – Phương, chủ cửa hiệu giặt là tốt tính, dễ mến... Từng ấy con người cứ sống và va chạm với nhau, yêu thương, dối lừa và chia sẻ cùng nhau... Mỗi người tạo thành một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh cuộc sống Hà thành hôm nay.


“Cửa hiệu giặt là” vì thế được nhận xét như những trang nhật ký chụp lại vài lát cắt trong cuộc sống của những người dân nơi góc phố nhỏ, và ẩn trong đó là thông điệp về cái đẹp bình dị, giản đơn của cuộc sống. Và như nhà văn Hoàng Đăng Khoa thì: “Cảm xúc khi đọc cuốn sách là vừa lạ vừa quen. Lạ không gian phố xá, giọng văn hoạt kê, rất đời. Còn cái quen là vẫn gặp những thân phận đàn bà trong văn Đỗ Bích Thúy, những thân phận đau khổ, buồn phiền, già nua, cáu bẳn…, vẫn là cái tình của người viết, của nhà văn, của tấm lòng bao dung nhân hậu và thảo thơm, là sự rưng rưng xúc cảm…”.


Dương Thùy Chi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN