Phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận
Đề xuất khôi phục và phát triển hành trình “Bát cảnh Tây Hồ” của quận Tây Hồ là đề cử đầu tiên trong hạng mục "Ý tưởng- Vì tình yêu Hà Nội" của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2024.
Đây là ý tưởng trong “Đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận”, đang được quận Tây Hồ xây dựng, xin ý kiến thành phố thông qua.
Ngày 10/1/2024, UBND thành phố Hà Nội ban hành các Quyết định số 178/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý Hồ Tây trực thuộc UBND quận Tây Hồ và Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý và khai thác Hồ Tây. Trên cơ sở này, được sự quan tâm của lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND quận, các phòng, ban, ngành và đặc biệt là sự nỗ lực của Ban Quản lý Hồ Tây đã xây dựng “Đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận”.
Về tiến độ của đề án này, ông Nguyễn Hưng Quốc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Hồ Tây (quận Tây Hồ) cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thiện tất cả các thủ tục liên quan đến mời thầu, đấu thầu và kết quả phê duyệt nhà thầu tư vấn đã có. Ngay từ tháng 10 này, chúng tôi xác định làm việc với công suất và cường độ cao nhất, dự kiến trong khoảng 2 tháng để đến cuối tháng 11, đầu tháng 12, chúng tôi sẽ có được một đề án sơ bộ có đầy đủ nội dung. Sau khi có đề án hoàn thiện, chúng tôi sẽ trình lên UBND thành phố để xin ý kiến, sau đó báo có Thường trực Thành ủy để thông qua đề án này, chuẩn bị cho các bước thực hiện trong thực tế”.
Cũng theo Phó trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý Hồ Tây Nguyễn Hưng Quốc, phạm vi của đề án có rất nhiều nội dung, trong đó có nội dung đề xuất khôi phục và phát triển hành trình “Bát cảnh Tây Hồ”.
“Bát cảnh Tây Hồ” vốn là 8 thắng cảnh của vùng đất Tây Hồ được các tao nhân mặc khách của kinh thành Thăng Long xưa lưu lại trong các áng thơ văn và thư tịch cổ. 8 thắng cảnh này bao gồm: Bến trúc Nghi Tàm, Rừng bàng Yên Thái, Đàn thề Đồng Cổ, Tượng Phật say Thụy Chương, Sâm cầm hồ Tây, Cánh đồng hoa Nghi Tàm; Làng Khán Xuân, Tiếng đàn hành cung.
Trong thực tế, trải qua những biến động của lịch sử, đến nay “Bát cảnh Tây Hồ” đã thay đổi rất nhiều. Do đó, để hiện thực hóa ý tưởng phục dựng “Bát cảnh Tây Hồ”, ông Nguyễn Hưng Quốc cho biết, các đơn vị chức năng của quận Tây Hồ sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa và các CLB những người yêu Hà Nội, người dân các làng nghề quanh Hồ Tây để có thông tin rõ ràng về dư địa chí của Hồ Tây, từ đó tập hợp và đưa vào đề án cho phù hợp và thuyết phục nhất.
Từ ý tưởng để đến hiện thực hóa việc khôi phục và phát triển hành trình “Bát cảnh Tây Hồ” sẽ còn là một hành trình dài. Thế nhưng, ý tưởng này ý nghĩa ở chỗ đã thể hiện được tầm nhìn của quận Hồ Tây trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực Hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung. Nếu được hiện thực hóa, đây sẽ là những điếm nhấn trong việc phát triển văn hóa, du lịch của cả khu vực Hồ Tây và Hà Nội. Và ngay trong giai đoạn này, bản thân đề xuất đó đã thể hiện được khát vọng, tầm nhìn và tình yêu sâu sắc của những người xây dựng đề án đối với Hà Nội.
Tạo dựng một công viên Thống Nhất nên thơ
“Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận” do UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức nghiên cứu và xây dựng vào năm 2023; xuất phát từ thực tế: Quần thể hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất là khu vực có cảnh quan đẹp, nên thơ, với đầy đủ mặt hồ, cây xanh, bóng mát. Bên cạnh đó, khu vực cũng có nhiều công trình giá trị như quần thể chùa Quan Hoa - Pháp Hoa - Thiền Quang; Nhà văn hóa Học sinh - Sinh viên Hà Nội, Rạp xiếc Trung ương... Tuy nhiên, việc xây dựng, nâng cấp cảnh quan khu vực chưa tương xứng vói các giá trị hiện có, các không gian thiếu sự kết nối tổng thể, nhiều khu vực có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng…
Trọng tâm của đồ án là tạo lập không gian, cảnh quan, trên nguyên tắc bảo tồn tối đa diện tích mặt hồ và hệ thống cây xanh, cung cấp tiện ích, tạo các khoảng mở để nâng cao khả năng thị giác của người tham quan quanh hồ.
Theo định hướng, toàn bộ phần hè phố đi bộ Trần Nhân Tông sẽ được nâng cấp, cải tạo thành không gian rộng, thông suốt từ tượng đài Công an nhân dân tới cổng chính Công viên Thống Nhất và kết nối trục quảng trường trong Công viên, từ đó tạo ra kết nối giữa hồ Thiền Quang và hồ Bẩy Mẫu trong Công viên. Ngoài ra, tại khu vực nhạc nước trên hồ Thiền Quang cũng xây dựng một trục phụ gắn kết giữa hồ với Công viên.
Đặc biệt, điểm nhấn của quần thể này là các không gian mở. Quảng trường trung tâm trên phố Trần Nhân Tông được quy hoạch là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng, lễ hội, đồng thời là “điểm mở” dẫn dắt người dân vào tham quan Công viên. Ngoài ra, tại 4 góc hồ Thiền Quang, 4 không gian mở sẽ được thiết lập với chủ điểm tượng trưng theo 4 mùa của Hà Nội để phục vụ để phục vụ sinh hoạt cộng đồng, cũng như khơi gợi cho du khách về vẻ đẹp theo mùa của Hà Nội.
Như vậy, nhìn tổng thể, ý tưởng của đồ án là gắn kết hồ Thiền Quang với Công viên Thống Nhất để tạo thành 1 quần thể thống nhất, lấy hoạt động bên ngoài Công viên - cụ thể là khu vực quanh hồ - để gợi mở, thu hút người dân khám phá thêm các hoạt động trong Công viên và phát huy giá trị tổng thể.
Về tiến độ, đồ án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (tổ chức cải tạo cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang) đã được triển khai từ 3/2024 và đến nay đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2 (tạo lập không gian trung tâm và hoàn thiện các nội dung còn lại) dự kiến chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 và hoàn thành năm 2026.
Bên cạnh đồ án này, một số dự án khác liên quan tới khu vực hồ Thiền Quang như cải tạo tu bổ cụm 3 chùa Quan Hoa - Pháp Hoa - Thiền Quang, cải tạo Công viên Thống Nhất… cũng đang được triển khai ở các thời điểm khác nhau. Với các lợi thế, giá trị về cảnh quan, không gian của tổng thể hồ Thiền Quang và Công viên Thống Nhất sau khi hoàn thành được kì vọng sẽ là điểm nhấn về cảnh quan của quận Hai Bà Trưng và của Hà Nội.