Hội diễn năm nay đã thu được trên 300 diễn viên, nhạc công không chuyên đến từ 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Kết thúc hội diễn, Ban tổ chức đã trao 3 giải A cho đội văn nghệ xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng với trích đoạn Tuồng “Thành Hoàng làng quê tôi”; đội văn nghệ xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang với vở chèo ngắn “Giá ngoan dạy chồng” và đội văn nghệ phường Phú Thứ, thị xã Kinh Môn với vở diễn “Trọn nghĩa vẹn tình”.
Ban tổ chức cũng đã trao 3 giải B, 5 giải C cho các đội văn nghệ biểu diễn xuất sắc. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao 10 giải A, 12 giải B và 15 giải C cho các diễn viên biểu diễn xuất sắc; trao một số giải như: Kịch bản xuất sắc nhất; Đạo diễn xuất sắc nhất; Dàn nhạc xuất sắc nhất và trao tặng phẩm cho diễn viên cao tuổi và nhỏ tuổi nhất hội diễn.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, các tác phẩm đem đến hội diễn là những tác phẩm xuất sắc được lựa chọn từ hàng trăm vở diễn tại các hội diễn được tổ chức ở cấp huyện. Các tác phẩm có đề tài phong phú, góc nhìn đa chiều, phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống, ca ngợi quê hương, đất nước, con người Hải Dương, thể hiện sự phát triển không ngừng của phong trào sân khấu không chuyên. Các diễn viên không chuyên là những người đang trực tiếp lao động sản xuất, là công chức, viên chức, người nghỉ hưu… nhưng vẫn thể hiện hết mình trên sân khấu. Đặc biệt, trước hội diễn toàn tỉnh, nhiều địa phương đã tổ chức hội diễn với 100% xã, phường tham gia; có những xã đã tổ chức được hội diễn cấp xã với 100% các thôn tham gia.
Nhà viết kịch, nhà lý luận phê bình sân khấu Lê Quý Hiền, Trưởng ban Giám khảo hội thi khẳng định, các tác phẩm dự thi đã đề cập được nhiều vấn đề của cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới; phòng, chống tệ nạn xã hội cho tới vấn đề làm căn cước công dân, cấp mã số định danh điện tử cho người dân…, trong đó nhiều tác phẩm có nội dung rất nhân văn. Các nghệ sỹ, diễn viên không chuyên đã mang tới hội diễn nhiệt huyết của một nghệ sỹ chân chính và ý thức, trách nhiệm, những trăn trở của người dân về những vấn đề trong xã hội hôm nay.
Bên cạnh đó, ông Lê Quý Hiền đề nghị nên tập trung hơn đối với mỗi tác phẩm với bối cảnh là một không gian, một thời gian như: tiểu phẩm thì chỉ cần 1 hoạt cảnh, kịch ngắn thì chỉ cần 2 hoạt cảnh và mỗi tác giả cần chọn một mục đích chính, xuyên suốt cho tác phẩm của mình tránh việc ôm đồm, tập trung vào quá nhiều vấn đề trong một tác phẩm.
Ông Lê Quý Hiền cũng đề nghị, để nâng cao chất lượng cho các hội diễn lần sau, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương cần phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho những tác giả không chuyên hoặc tổ chức các buổi gặp gỡ để các tác giả có thể trao đổi, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau… để có thể có những tác phẩm tốt hơn, chất lượng hơn.