Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng cho biết, do nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của người dân thành phố nên bên cạnh các loại hình sân khấu vẫn được công diễn, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục đưa loại hình sân khấu nhạc kịch đến với khán giả và nhân dân thành phố. Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Đại văn hào Victor Hugo là vở diễn đầu tiên.
Theo bà Đinh Thị Bích Liên, Giám đốc Trung tâm Tổ chức Biểu diễn nghệ thuật thành phố Hải Phòng, tác phẩm kinh điển "Những người khốn khổ" được dàn dựng hoàn toàn bằng tiếng Anh với phụ đề tiếng Việt qua màn hình. Vở nhạc kịch ra mắt khán giả đầy lôi cuốn, đặc sắc, hoành tráng với sự tham gia của trên 150 nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, các thành viên Dàn Hợp xướng Quốc tế Hanoi Voices cùng nghệ sĩ, diễn viên các Đoàn nghệ thuật Hải Phòng, kết hợp với dàn nhạc giao hưởng trình diễn trực tiếp.
Đây là lần đầu tiên trong các số biểu diễn sân khấu truyền hình có sự tham gia của diễn viên người nước ngoài. Việc tham dự này sẽ giúp khán giả cảm thụ tác phẩm kinh điển của quốc tế gần gũi hơn. Qua buổi biểu diễn, công chúng trong và ngoài nước đều đón nhận tác phẩm nồng nhiệt.
Trong buổi biểu diễn, ông Oliver Cachet, du khách người Pháp chia sẻ, thật thú vị và hào hứng khi thưởng thức vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới ngay tại Nhà hát lớn của Hải Phòng. Mặc dù 20 giờ 30 phút chương trình mới chính thức diễn ra nhưng ông đã cùng nhiều người bạn của mình đến Nhà hát thành phố từ rất sớm để được chờ xem các nghệ sĩ biểu diễn.
Chị Nguyễn Thảo Nguyên, nhà ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng) bày tỏ cảm xúc hào hứng đón đợi một không gian nghệ thuật đặc sắc của châu Âu diễn ra ngay trong không gian Nhà hát thành phố Cảng. Những lần biểu diễn tới, chị sẽ đưa các con đi xem cùng để các con có những cảm thụ sâu sắc hơn về nghệ thuật.
Nhân vật chính của vở nhạc kịch là Giăng Van-giăng, anh nuôi một đàn cháu nhỏ, vì cuộc sống nghèo khó mà phải đi đánh cắp bánh mì, anh bị bắt và đi tù. Sau bao thăng trầm, cuối cùng anh cũng đã được trả lại tự do và có một chút địa vị trong cuộc sống. Mọi chuyện cho đến lúc này vẫn chưa thể kết thúc mà thực chất mới chỉ là bắt đầu của một chuỗi những câu chuyện khốn cùng ở phía sau. Cuộc đời của Giăng Van-giăng dường như là một chuỗi những khốn khổ triền miên nhưng anh vẫn nỗ lực vượt qua và dũng cảm đối mặt với chúng.
Qua hàng loạt nhân vật và bối cảnh điển hình, vở diễn khắc họa những số phận của nhiều tầng lớp trong xã hội, các nhân vật ấy bước lên sân khấu kể câu chuyện bằng âm nhạc đầy nhân văn về tình người, sự đoàn kết và niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng. Tác phẩm đã được dịch ra 21 thứ tiếng khác nhau và trình diễn ở 42 quốc gia kể từ năm 1980, trong đó có Việt Nam.