“Hậu” vinh danh: Chế độ nào cho nghệ nhân dân gian?

Danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” do Hội Văn hóa dân gian Việt Nam trao tặng cho các nghệ nhân đã có từ năm 2003, nhưng việc trao tặng danh hiệu này mới đơn thuần mang tính tôn vinh, chứ chưa có chính sách đãi ngộ đi kèm. Ngành văn hóa quyết tâm thực hiện phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân bằng việc xây dựng Thông tư quy định về xét tặng danh hiệu này, tuy nhiên việc xây dựng Thông tư cũng không hề đơn giản.

Đến nay, Dự thảo thông tư về xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân đã xây dựng xong, Bộ VH,TT&DL cũng đã có Văn bản số 1532/BVHTTDL - TĐKT trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến để ban hành Thông tư quy định về xét danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Nếu không có gì thay đổi, dịp 2/9 năm nay, lần đầu tiên các nghệ nhân trong các lĩnh vực di sản trên cả nước sẽ được công nhận NNND, NNƯT. Đây là một việc làm thiết thực, đáp ứng mong muốn và nguyện vọng của đông đảo nghệ nhân trong cả nước.

Các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2009. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Mới đây, Bộ VH, TT&DL đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến ban hành Thông tư quy định về xét danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Theo đề án, Bộ này sẽ công nhận danh hiệu NNND, NNƯT trong 6 lĩnh vực di sản là: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Riêng với lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, trước đây do Bộ Công Thương thực hiện thì vẫn do Bộ Công Thương xét tặng, nếu Bộ VH, TT&DL có tôn vinh ở lĩnh vực này sẽ tham khảo ý kiến từ Bộ Công Thương. Một nghệ nhân không được xét danh hiệu ở cả hai hội đồng của hai bộ.

Sáu lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể mà Bộ VH,TT&DL sẽ công nhận danh hiệu nghệ nhân gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống và tri thức dân gian. Những nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa này đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đất nước nên việc tôn vinh kịp thời những nghệ nhân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy các giá trị di sản trong xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực để có được sự tôn vinh các nghệ nhân, thì những khó khăn trong việc đưa ra những chế độ đãi ngộ sau khi được vinh danh vẫn còn nhiều vướng mắc.

Bà Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, chia sẻ: “Chúng tôi cũng đang tính xem chế độ nào, chính sách nào cho việc “hậu” phong tặng. Việc phong tặng có quy định rồi, sẽ có một phần thưởng, một bằng chứng nhận, nhưng “hậu” phong tặng là gì thì hiện giờ vẫn chưa có lời giải”. Theo bà Lý, nhiều nước có cách làm hay nhưng cũng bộc lộ nhiều điều không phù hợp, vì vậy phải học tập và tính toán cách làm riêng chứ không rập khuôn theo nước nào được. Ví dụ Hàn Quốc, Nhật Bản đã thiết lập hệ thống báu vật nhân văn sống, người ta chọn ra những nghệ nhân xuất sắc nhất và được nuôi dưỡng suốt đời để nghệ nhân ấy chỉ làm việc cho Nhà nước, sản xuất ra các sản phẩm phục vụ Nhà nước, biểu diễn theo các kế hoạch của Nhà nước và được hưởng đồng lương xứng đáng. Thế nhưng họ lại bị chi phối bởi Nhà nước hoàn toàn. Từ khi có Công ước UNESCO 2003, thì việc làm này là hoàn toàn vi phạm công ước ở điểm về quyền của chủ thể văn hóa.

Trên thực tế, còn rất nhiều việc cần thực hiện cho việc phong tặng NNND, NNƯT, do vậy, chính sách cần phải hết sức linh hoạt. Chưa kể, việc phong tặng, theo Luật Thi đua khen thưởng thì bắt buộc vẫn phải có hai danh hiệu NNND, NNƯT. Nhưng việc từ danh hiệu NNƯT lên danh hiệu NNND như thế nào cũng lại là một vấn đề, và đến bao giờ thì được xem xét để được lên danh hiệu? Như thế, lại cần thêm một quy chế, một chính sách nữa.

Bà Lý thừa nhận, dù rất tiếc nhưng cũng vẫn phải nợ, đến sang năm mới có chính sách cụ thể cho việc tôn vinh và đãi ngộ những người có công thực hành di sản. Do vậy, sau khi đã được vinh danh, thì các nghệ nhân sẽ vẫn còn phải chờ thêm nữa để thực sự được đãi ngộ.

Hạnh An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN