Hội Lim 2013 tìm về truyền thống

“Đến hẹn lại lên”, nhiều du khách lại về hội Lim 2013. Hội Lim bắt đầu từ ngày 12 tháng Giêng nhưng ngày 13 tháng Giêng (22/2) là chính hội, gồm các nghi lễ mở cửa đình chùa, tế lễ, dâng hương, rước kiệu... So với mọi năm, lượng khách về hội Lim năm nay ít hơn và kém sôi động hơn.

 

Vẫn cho hát qua loa


Có mặt tại hội Lim từ hơn 8 giờ sáng, chúng tôi chứng kiến các lán hát quan họ vẫn rất im ắng. Khi hỏi chuyện các liền anh liền chị đều cho biết phải đợi được sự cho phép của BTC mới bắt đầu. Phải đến hơn 9 giờ sáng, các lán quan họ mới bắt đầu trình diễn và giao lưu với khách. Và tất cả đều hát qua loa với âm lượng vừa phải. Chỉ duy nhất lán quan họ hát tại sân chùa Lim không qua loa. Nhiều khán giả đứng cách đó khoảng chục mét không nghe được tiếng, nhiều người xem thốt lên: “Hình như đang hát kịch câm” và đổ dồn về chỗ hát có loa.


Liền anh, liền chị nhận tiền của khách.

 

Trao đổi với một cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Bắc Ninh, thành viên Ban tổ chức, thì được biết, từ chiều ngày 21/2, trước nhiều ý kiến của người dân và các thành viên CLB quan họ nếu không hát qua loa thì có thể trình diễn nơi hội đông người, trong khi các liền anh, liền chị không có thể hát to được bởi cái hay của quan họ là hát luyến láy. Chính vì vậy, đến chiều ngày 21/2, BTC đã đồng ý cho các lán quan họ hát qua loa, nhưng với âm lượng vừa phải.


Trong khi đó, tại thủy đình Lũng Sơn, gần ngay đồi Lim, theo ghi nhận của phóng viên, người hát quan họ vẫn nhận tiền của người nghe. Phản ánh điều này với BTC, ông Trần Quang Ứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Trưởng Ban chỉ đạo hội Lim cho biết: “Chúng tôi chưa ghi nhận có hiện tượng liền anh, liền chị ngửa nón xin tiền, có thể chỗ này chỗ khác lúc hát, liền anh liền chị mời cơi trầu (lúc hát mở màn) nên nhân tiện người nghe đưa tiền”.


Quay trở lại thủy đình Lũng Sơn gần trưa, lúc đang là màn hát giao lưu quan họ giữa liền anh liền chị và du khách, hiện tượng đưa tiền cho liền anh, liền chị khá phổ biến. Anh Nguyễn Xuân Quỳnh, người dân tại thị trấn Lim, cho biết: “Thực ra việc đưa tiền cho hát quan họ có từ lâu, người dân nơi đây gọi là “thướng”, mà bây giờ người ta gọi là thưởng, tiền "bo", người ta thấy hát hay thì cho tiền. Vấn đề là cho và nhận như thế nào. Chẳng nhẽ người cho cứ vứt tiền xuống thuyền. Chính vì vậy mới có việc ngửa nón và điều này gây ra sự phản cảm. Do đó các thuyền thay vì ngửa nón thì chuyển qua cách dùng đĩa mời nước hoặc đĩa hoa nhận tiền”.

 

Tìm lại nét truyền thống


Hội Lim là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, hát đối đáp làn điệu quan họ giữa các liền anh, liền chị thuộc các làng khác nhau thuộc vùng Kinh Bắc. Tuy nhiên, vài năm gần đây, hội Lim bị thương mại hóa, xô bồ và bị dư luận chỉ trích gay gắt. Chính vì vậy mà tỉnh Bắc Ninh đang quyết tâm đưa hội Lim trở lại với những nét truyền thống. Đó là lý do, ban đầu hội Lim chỉ cho phép tổ chức tại sân khấu chính lễ hội và hát quan họ thuyền tại các làng là có sử dụng thiết bị hỗ trợ âm thanh, còn các lán quan họ hát theo lối truyền thống xưa.


Hội Lim đang hướng đến trở thành điểm giao lưu các làn điệu quan họ, nên năm nay BTC cũng không để tình trạng các loại hình khác xen lẫn như hát văn, hầu đồng. Bên cạnh đó, BTC hội Lim năm nay đã dẹp được nạn ăn xin, ăn mày. Các hàng quán thương mại, trò chơi điện tử dù vẫn còn trên các tuyến đường dẫn trung tâm hội Lim nhưng đã được giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên, với lễ hội đông người, việc dùng thiết bị hỗ trợ âm thanh là cần thiết để phục vụ du khách, nhưng cần có quy định cụ thể để trở thành nơi hỗn loạn âm thanh.

Nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế, 94 tuổi, thôn Duệ Đông (là một trong hai nghệ nhân quan họ tỉnh Bắc Ninh), người đã từng tham gia hát hội Lim năm 19, cho biết: “Hội Lim năm nay đã giảm bớt tình trạng xô bồ, các hoạt động thương mại, trò chơi điện tử trong trung tâm chính của lễ hội. Bên cạnh đó, đã phục hồi những nét truyền thống lễ hội Lim. Như việc mở màn chính hội hôm nay, phần hát cổ, hát đối đáp không còn có nhạc đệm. Bởi cái hay của quan họ là làn điệu, sự luyến láy chính là nhạc và lời. Nếu có nhạc thì sẽ không rõ lời. Tiếp đó phần hát giao lưu có nhạc là hợp lý để phù hợp với thời nay. Trước đây, hát quan họ giữa liền anh, liền chị là hát kết bạn nhưng thời nay là hát giao lưu là chính. Chính vì vậy, các câu lạc bộ quan họ trong vùng dịp này cũng có điều điện để giao lưu, hiểu thêm các làn điệu quan họ của các dòng họ khác. Theo tôi, khách đến hội Lim hiểu và nghe quan họ một cách đam mê chủ yếu là người có tuổi. Còn với lớp trẻ chủ yếu đi xem hội, chơi xuân là chính”.
Quả thật, nếu quan sát những người đi hội Lim cho thấy phần lớn người đến hội Lim, phần nhiều là đi xem hội.


Bà Nguyễn Kim Thanh, Phó Chủ nhiệm CLB quan họ thôn Duệ Đông cho biết: Hội Lim diễn ra trung tâm thị trấn là dịp giao lưu giữa liền anh, liền chị với khán giả. Tuy nhiên để thưởng thức lời quan họ cổ tại nhà; trong không gian nhỏ, lời và giọng ca quan họ mới sâu lắng, mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp của quan họ. Đó là lý do những người sành làn điệu quan họ thường tìm về các nhà nghệ nhân, CLB quan họ trong vùng để thưởng thức quan họ trong những ngày diễn ra hội.


Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN