Sáng 18/8, tại Hà Nội, thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ đã phối hợp tổ chức Lễ tiếp nhận công đức tu bổ, tôn tạo Đền Hạ - Di tích lịch sử Đền Hùng.
Cùng với sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, công đức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tu bổ, tôn tạo các ngôi đền Thượng, Lăng Hùng Vương, đền Trung và đền Giếng... năm 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đã tham gia công đức xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo đền Hạ 23,5 tỉ đồng. Công trình này đã được khởi công vào ngày 27/11/2010 và hoàn thành vào ngày 25/12/2011. Đền Hạ được xây dựng tu bổ, tôn tạo lại bằng vật liệu bền vững, kiến trúc kiểu chữ “Nhị” gồm hai tòa Tiền bái và Hậu cung, có diện tích 126,7 m2.
Phát biểu tại Lễ tiếp nhận, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, khu di tích lịch sử Đền Hùng là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước, nguồn cội thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đây là khu di tích mang ý nghĩa hết sức quan trọng của đất nước ta. Trong những năm qua, cùng với cả nước hướng về cội nguồn của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội đã quan tâm hợp tác với tỉnh Phú Thọ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp Giỗ tổ và đóng góp tu bổ tôn tạo quần thể di tích Đền Hùng. Đặc biệt, từ năm 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được đảm trách hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo đền Hạ.
Sau hơn một năm triển khai thi công xây dựng, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, của tỉnh Phú Thọ, các nghệ nhân, kỹ sư, công nhân lao động đã nỗ lực cố gắng đóng góp công sức để làm hồi sinh một tác phẩm nghệ thuật đã bị mai một với thời gian. Một công trình mang dấu ấn nguồn cội của dân tộc, thể hiện đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” và lòng thành kính biết ơn của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh, thành nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung đối với các vị Vua Hùng đã có công dựng nước.
Đền Hạ được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII), do nhân dân làng Vi Cương (nay thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) xây dựng. Kiến trúc của ngôi Đền Hạ đã qua nhiều lần tu sửa, và lần gần đây nhất vào năm 1997-1998, phần lớn các kết cấu vật liệu không còn vững chắc và bị mài mòn, thoái hóa theo thời gian và không còn giữ được những tính năng của chất liệu ban đầu. Thêm vào đó, trong các lần tu sửa, sửa chữa nhỏ trước đây, do nguồn kinh phí còn hạn chế, vật liệu sửa chữa, thay thế phần lớn là tận dụng nên dẫn tới việc các thành phần kiến trúc bị sai lệch so với ban đầu về hình thức, chất liệu, tỉ lệ kiến trúc; hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng không đồng bộ... đã ảnh hưởng rất lớn tới sự ổn định, liên kết các vật liệu của kiến trúc làm thúc đẩy nhanh quá trình xuống cấp của di tích.
Thanh Bình