Không chỉ "nóng" đúng dịp Tết, các bộ phim "Bóng ma học đường", "Thiên sứ 99", "Cô dâu đại chiến"… đã tiếp tục thu hút được khán giả một thời gian dài sau đó. Có lẽ cũng bởi... không có phim Việt nào mới hơn ra mắt.
Từ 3 bộ phim này, thử nhìn lại và đặt câu hỏi xem nên chọn hướng phát triển nào cho điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới đây... Bởi trên thực tế, dù có lượng khán giả khá kỷ lục, 3 bộ phim này cũng vẫn không được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật...
Nếu bình chọn đạo diễn trẻ Việt kiều nào “gan to” nhất trong dòng phim thị trường Việt hiện nay, nhiều người sẽ không ngần ngại chỉ đích danh Victor Vũ. Không hoang mang, không sợ hãi sau khi bị dư luận phát hiện tác phẩm “Giao lộ định mệnh” là hàng đạo “Shatered” của Mỹ từ một thập kỷ trước, đạo diễn trẻ “thừa thắng xông lên” với một phiên bản “copy” ý tưởng không chỉ từ một phim mà của nhiều phim và còn có cả clip quảng cáo phát sóng trên truyền hình.
Một cảnh trong phim "Cô dâu đại chiến". |
Thế mới biết Victor Vũ tiến bộ như thế nào về khả năng làm phim và sáng tạo điện ảnh. Ngồi xem “Cô dâu đại chiến” từ đầu cho tới cuối phim không ít lần khán giả phải thốt lên bởi sự giống nhau, bởi sự na ná với rất nhiều phim Mỹ, Hàn Quốc trước đó mà họ từng xem, đôi khi Victor Vũ còn không ngần ngại đưa cả tình huống, chi tiết quảng cáo vào trong phim của mình. Vì vậy, xem một bộ phim Việt mới toanh mà khán giả cứ phải suy nghĩ, lục lại trí nhớ xem cảnh này thì đạo diễn “nhặt” từ phim nào, đoạn kia thì lấy từ sản phẩm quảng cáo mang tên là gì? Và không chỉ “mượn” ý tưởng phim của nước ngoài mà “Cô dâu đại chiến”, phần âm nhạc của phim cũng được “chắp vá”. Thậm chí nhạc phim teen “Bộ tứ 10A8” cũng được sử dụng làm nhạc nền khi phim kết thúc...
Tất nhiên, không thể ủng hộ việc "đạo" ý tưởng, khi yếu tố sáng tạo là điều quan trọng nhất cho một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng với sự "thành công" về doanh thu của bộ phim này, cũng lại có những người trong giới đang đặt câu hỏi, phải chăng có thể phát triển một kiểu phim "pha tạp" như vậy? Bởi lẽ, ngoài việc na ná về nội dung, thì bản thân bộ phim “Cô dâu đại chiến” lại cũng có mặt "mạnh" riêng với những cái tên đủ bảo chứng lợi nhuận như: Huy Khánh, Đinh Ngọc Diệp, Phi Thanh Vân… Ngoài ra với phần những kỹ xảo không mới nhưng có sự đầu tư cũng là một điểm để gỡ gạc lại trong phim. Và tất nhiên không thể không nói đến phần hình ảnh trong phim. Nếu bạn thích những tông màu rực rỡ, thích được ngắm nhìn những khuôn mặt đẹp như hoa của dàn diễn viên thì sẽ không bỏ qua yếu tố này và nên chọn “đứa con lai” này để xem. Nên xét cho cùng, nếu là khán giả dễ tính, có thể bỏ qua cho cái lỗi tày trời là thích lượm lặt ý tưởng sáng tạo của người khác. Và nếu là những khán giả chỉ muốn được thư giãn, có những tiếng cười nhẹ nhàng và ngắm nhìn những ngôi sao mà mình yêu thích (mà hiện khá nhiều), thì loại phim này có thể là một "kiểu" để đáp ứng.
Vốn mát tay những phim thị trường: "Đẻ mướn", "Võ lâm truyền kỳ"… trước đó cũng khá thành công về mặt thương mại, giờ Lê Bảo Trung quyết định sử dụng mảng miếng sáng tạo của mình để khai phá một công nghệ làm phim siêu hiện đại mà bom tấn 3D “Avata”, “Alice in wonderland…” đã làm mưa làm gió trong năm 2010: phim 3D "Bóng ma học đường".
Chọn vấn đề bạo lực học đường đang là vấn nạn báo động trong đời sống học đường của giới trẻ, Lê Bảo Trung không chỉ kể lại, miêu tả đơn thuần những câu chuyện nóng hổi ấy mà còn lồng ghép cả công nghệ 3D, những tưởng tượng với dáng dấp của phim kinh dị Việt Nam. Tất nhiên, do là lần đầu làm phim 3D, lại "ôm đồm" nhiều mong muốn, tham vọng quá, nên bộ phim hơi giống một món "lẩu thập cẩm", và không biết xếp “Bóng ma học đường” vào thể loại gì. Vì vậy, trên thực tế khán giả Việt xem “Bóng ma học đường” như để tìm cảm giác an ủi Việt Nam cũng có phim 3D và đến ngắm nhìn các ngôi sao tuổi teen với những pha diễn nóng bỏng trên màn ảnh.
Lần đầu làm phim 3D, tất nhiên không thể đòi hỏi đạo diễn có những thành công ngay lập tức, tuy nhiên, với sự khai phá này, cũng có thể nói là một hướng đi cho phim Việt để làm mới mình cũng như tiếp cận với điện ảnh thế giới.
Có những đánh giá và nhìn nhận có thể coi là "độ lượng" như vậy với những phim mới nhất của điện ảnh Việt Nam này, tuy nhiên, cũng từ những "hạt sạn" mà các phim đã mắc phải, có một điều rất rõ là: Phim Việt vẫn phải nâng cao chất lượng kịch bản và đầu tư hơn nữa về nội dung. Không thể chỉ chọn con đường "làm mới bằng công nghệ", "ăn theo ý tưởng"..., phim Việt vẫn phải có hành trình riêng của mình, có tiếng nói riêng của mình, để góp phần định hướng cho khán giả, cũng như đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà. Không thể vì đáp ứng thị hiếu của một bộ phận khán giả mà chạy theo những bộ phim yếu về nội dung, kém về ý nghĩa.
Hương Giang