6 giờ 30 phút ngày mùng 5 Tết ( tức 27/1), phần lễ bắt đầu với nghi thức dâng hương, đánh trống khai hội, đọc văn tế, lễ rước và tế lễ của các thôn làng. Trong đó, lễ rước của các thôn làng được coi như phần “hồn” của lễ hội và được mong đợi nhất. Cụ thể: thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) thực hiện nghi thức rước hoa tre; thôn Phù Mã (xã Phù Linh) rước ngựa (tre); thôn Dược Thường (xã Tiên Dược) rước voi (tre); thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa) rước ngà voi; thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) rước trầu cau…
Những năm gần đây, tục cướp lộc giò hoa tre và trầu cau sau khi các thôn làng dâng lễ ông Gióng tại đền Thượng gây nhiều phản cảm đã được huyện Sóc Sơn chấn chỉnh. Năm nay, tục cướp lộc được thực hiện theo hướng: Sau khi làm lễ tại sân Rồng đền Thượng, giò hoa tre và trầu cau sẽ được tiến cung để ông Gióng chứng giám. Sau đó, lộc sẽ được san sẻ đưa về đền Hạ và đền Mẫu để tán lộc cho du khách mà vẫn đảm bảo kịch bản, quy trình của lễ hội cam kết với UNESCO không thay đổi.
Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nấu cơm thi, cây đu, thực hiện nghi thức kéo mỏ, húc cầu, vật…
Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn diễn ra đến ngày 29/1 (tức mùng 8 tháng Giêng). Lễ kết hội với các nghi thức dâng hương, lễ tế kết lễ hội, nghi lễ hóa ngựa và voi.
Để đảm bảo mùa lễ hội 2023 văn minh, lành mạnh, huyện Sóc Sơn yêu cầu, du khách không đốt vàng mã và hạn chế thắp hương trong nội thất các công trình thuộc di tích để đảm bảo an toàn. Huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa và lễ hội trên địa bàn; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước trước, trong và sau lễ hội; xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực...