Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; đại diện các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hải Dương và một số, huyện, thị xã, thành phố các tỉnh bạn đã về tham dự.
Chương trình nhằm quảng bá mạnh mẽ thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, giá trị lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh nhân, điểm đến du lịch, tiềm năng, lợi thế khác biệt, nổi trội, chiến lược phát triển của thành phố Chí Linh và tỉnh Hải Dương; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và tỉnh Hải Dương; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Tại Lễ khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định, Chí Linh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt’’, có lịch sử, văn hóa gắn với xứ Đông và cả nước. Vùng đất Chí Linh có những di sản văn hóa vô giá như Côn Sơn - Kiếp Bạc, Thanh Mai, Ngũ Đài Sơn, Chí Linh Bát cổ; gắn với tên tuổi những anh hùng, hào kiệt sáng mãi sử xanh: Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, người thầy của mọi thời đại Chu Văn An, nữ tiến sỹ đầu tiên, bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ… Thiên nhiên và văn hóa đan xen cùng với con người đôn hậu, hào sảng chính là tài nguyên phong phú và hấp dẫn để phát triển kinh tế du lịch.
Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sáng kiến của Chí Linh trong việc tổ chức Festival nhằm từng bước xây dựng một thương hiệu văn hoá đặc sắc, sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hóa căn cốt của dân tộc, thể hiện sức sống, sức lưu truyền, lan toả của tinh hoa văn hóa dân tộc; tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa từ các địa phương trong cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng, thông qua chuỗi sự kiện, Festival sẽ là nền móng khởi đầu quan trọng để thành phố Chí Linh và tỉnh Hải Dương có bước phát triển mới về dịch vụ du lịch. Đồng thời, đây là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư, làm thay đổi diện mạo ngành du lịch cả về chất và lượng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố và tỉnh Hải Dương, để du lịch Chí Linh và du lịch tỉnh Hải Dương định vị rõ nét hơn giá trị điểm đến trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ông Trần Đức Thắng cho biết hiện nay, tỉnh Hải Dương và hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang đang trình UNESCO công nhận Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa thế giới. Vì vậy, Chương trình Festival sẽ góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc nói chung và Côn Sơn, Kiếp Bạc nói riêng.
Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng cho biết, hiện nay, Chí Linh có hàng trăm di tích, di chỉ; trong đó có 10 di tích được xếp hạng Quốc gia. Riêng Khu di tích, danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng Quốc gia đặc biệt. Kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của vùng đất Chí Linh trong lịch sử, thành phố Chí Linh đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Festival Chí Linh - Hải Dương 2023 là Lễ hội Văn hóa lớn lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Chí Linh.
Với việc tổ chức Festival gắn liền với Lễ hội Mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Chí Linh mong muốn đưa sự kiện trở thành hoạt động văn hóa, du lịch, tâm linh, trải nghiệm mới góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa và Quy hoạch phát triển thành phố Chí Linh đến năm 2040.
Điểm nhấn của Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc, màn bắn pháo bông tầm thấp, pháo hoa xoay, màn dù bay và kinh khí cầu lớn... tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng nhân dân địa phương và du khách. Chương trình nghệ thuật đặc biệt gồm 3 chương: Âm vang nguồn cội, Tinh hoa hội tụ, Khát vọng tỏa sáng đã tái hiện về vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn kết, lan tỏa và sự chuyển mình của mảnh đất Chí Linh cùng phần trình diễn của Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam gồm mang đến các tiết mục hấp dẫn, thể hiện sức sống, khát vọng của vùng đất địa linh nhân kiệt. Đây cũng là dịp hội ngộ, giao lưu văn hóa các làn điệu hát Văn (Chí Linh, Hải Dương), hát Then (dân tộc Tày thành phố Lạng Sơn, thành phố Chí Linh), hát Sloonghao (dân tộc Sán Dìu (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; thành phố Chí Linh); hát Quan họ (thành phố Bắc Ninh); hát múa Khèn (dân tộc H’Mông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La)…
Diễn ra từ ngày 24/9 đến 4/10, Festival Chí Linh - Hải Dương gồm nhiều chương trình phong phú và đặc sắc: Lễ khai mạc, Đêm hội trăng rằm “Lồng đèn thắp sáng ước mơ thiếu nhi Chí Linh - Hải Dương”, Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ; Trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ tiêu biểu và triển lãm sinh vật cảnh. Cùng với đó là không gian trải nghiệm “Trung Thu Việt Nam” cho thiếu nhi với nhiều trò chơi dân gian, trình diễn múa lân sư rồng đến từ 10 tỉnh, thành phố; đồng diễn dân vũ, khiêu vũ thể thao với sự tham gia của 2.023 phụ nữ Chí Linh…
Trước đó, ngày 24/9 và ngày 26/9, lãnh đạo thành phố Chí Linh và Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn, Sở Lao động - Thương binh Xã hội tỉnh Hải Dương đã thăm, tặng quà, góc học tập cho trẻ em dịp Tết Trung Thu; tặng quà cho các học sinh là con của công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Theo Ban Tổ chức, để chuẩn bị cho Festival, công tác tuyên truyền được thành phố đặc biệt quan tâm. Cùng với việc lắp đặt các pano, áp phích ở các khu vực công cộng, các cửa ngõ vào thành phố, các di tích, tại 3 địa điểm diễn ra các hoạt động Festival gồm: Quảng trường Sao Đỏ, khu di tích quốc gia Đền Sinh - Đền Hóa, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc đều có bố trí một số khung treo quảng cáo, tuyên truyền có gắn mã QR để người dân, du khách dễ dàng tiếp nhận thông tin chung về Festival.