Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo người dân đến từ các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên dự chương trình.
Phát biểu khai mạc Ngày hội, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã nhấn mạnh đến công lao vai trò, vị trí của người Thái trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời khẳng định trong tiến trình lịch sử cộng đồng dân tộc Thái trên cả nước có đời sống tinh thần phong phú, sinh động, đầy chất nhân văn. Đồng bào dân tộc Thái đã xây dựng một nền văn hóa đa dạng, độc đáo, đặc sắc, góp phần tạo nên sự đa dạng trong nền văn hóa chung của cả nước.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần II là sự kiện văn hóa có ý nghĩa về chính trị, xã hội, kinh tế. Thông qua ngày hội, quần chúng nhân dân, du khách trong và ngoài nước sẽ được chiêm ngưỡng, thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, đặc biệt là nghệ thuật Xòe Thái - văn hóa truyền thống mang tính nhận diện, tiêu biểu của dân tộc Thái - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang được trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày hội còn là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh, giới thiệu về tiềm năng du lịch, văn hóa đặc sắc của các tỉnh vùng Tây Bắc.
Ngay sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Mường Then - hội tụ và phát triển”, gồm 3 chương: “Mường Then- Nguồn cội ngàn năm huyền thoại”, “Sắc màu văn hóa dân tộc Thái”, “Mường Then- Mường Thanh- Điện Biên trong lòng đại gia đình các dân tộc Việt Nam” với 11 cảnh và tầng diễn, lồng ghép những sự tích, huyền thoại, văn hóa, nghệ thuật đa dạng, đã, đang phổ biến trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Thái.
Chương trình nghệ thuật được trình diễn trên một sân khấu thiết kế thành 3 tầng chính, có chênh lệch cao thấp để tạo ra 5 điểm biểu diễn khác nhau, tạo thế vòng hình cung, thể hiện đặc trưng văn hóa vùng núi thấp, đời sống của đồng bào dân tộc Thái luôn gắn với sông suối, ao hồ, tập quán canh tác lúa nước.
Bằng các cảnh diễn “Huyền thoại dây Khau Cát”, “Quạm Tô Mương- Chuyện kể bản mường”, “Mường Then - Nguồn cội ngàn năm huyền thoại”…, được xây dựng, biểu diễn trên nền chất liệu nghệ thuật sử thi, Chương I tái hiện quá trình thiên di, định cư, lập bản để tạo nên miền đất Mường Then- Mường Thanh- Mường Trời của cộng đồng dân tộc nơi vùng cao phía Tây và Tây Bắc Tổ quốc. Miền đất này giang sơn cẩm tú, nơi núi rừng ngàn năm trầm mặc, hùng vĩ trong cảnh sắc thiên nhiên, vừa linh thiêng trong những bể trầm tích huyền thoại, lại vừa gần gũi, mến yêu trong lòng người.
Chương II với cảnh diễn “Lễ hội Xên Mường Thanh”, “Vũ điệu ban mai”; “Huổi Phạ Mường Then”…, đã khắc họa nên một kho tàng di sản văn hóa truyền thống đa sắc, độc đáo, tinh tế, mang tính nhận diện, tiêu biểu của dân tộc Thái do cộng đồng dân tộc này đã tạo lập trong quá trình phát triển.
Nội dung chuyển tải tại Chương III khẳng định vùng đất người Thái sinh sống đã trong mình những trầm tích văn hóa ngàn đời, trở thành nốt vĩ thanh trong bản hòa ca văn hóa của 54 cộng đồng dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trong thời kỳ đổi mới - hội nhập của đất nước”, Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần II do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các tỉnh tham gia cùng tổ chức, nhằm tiếp tục góp phần thực hiện hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, văn hóa trong giai đoạn hiện nay; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tôn vinh, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái; qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái và cộng đồng 54 dân tộc, góp phần “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”…
Đây là dịp để các tỉnh tham gia quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái trong tổng thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam đến đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Qua đó thúc đẩy văn hóa, du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn, du lịch văn hóa phát triển; thúc đẩy việc nghiên cứu, sưu tầm để gìn giữ, phát triển các loại hình di sản văn hóa truyền thống dân tộc Thái...
Trong khuôn khổ Ngày hội, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức: Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Thái; trình diễn, giới thiệu nghi thức sinh hoạt văn hóa; trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; trình diễn nghệ thuật xòe Thái; trình diễn dệt thổ cẩm, thêu khăn Piêu dân tộc Thái; trưng bày, triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Thái... Cùng với đó, các môn thể thao truyền thống của cộng đồng dân tộc dân tộc Thái như: Tó sáng, tó má lẹ, đi cà kheo, tung còn, bắn nỏ, kéo co.. cũng được tổ chức thi đấu để tăng thêm không gian trải nghiệm cho du khách.
Ngày hội diễn ra đến hết 20/10.