Phát biểu khai mạc triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh: Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Đề cương với phương châm chiến lược "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng" đã thu hút, tập hợp được đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ, trong đó có họa sĩ.
Để hưởng ứng Đề cương về văn hóa của Đảng, các văn nghệ sĩ đã chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng. Họ rời xa cuộc sống chốn phồn hoa đô thị để tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam. Từ mọi miền đất nước, các nghệ sĩ đã đi theo cách mạng, tắm mình trong thực tiễn, trực tiếp cầm bút và cầm súng chiến đấu; người nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, họ vẽ tranh, tổ chức triển lãm, làm báo, tuyên truyền, dạy mỹ thuật, hay trực tiếp tham gia chiến đấu; lấy nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân làm niềm cảm hứng, làm đề tài sáng tác.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề "Nghệ sĩ là Chiến sĩ".
Triển lãm giới thiệu 80 tác phẩm từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được sáng tác từ 1945 đến 1954 trên chất liệu giấy của 30 tác giả thuộc các thế hệ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, trong đó có 22 hoạ sĩ Mỹ thuật Đông Dương. Bằng các kỹ thuật ký họa chì, mực, vẽ màu nước, bột màu, in… các họa sĩ đã kịp thời ghi lại những khoảnh khắc của lịch sử, những hình ảnh chân thực, giàu cảm xúc về cuộc kháng chiến, về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, anh dũng chiến đấu, thi đua tăng gia sản xuất, truyền thống hiếu học của quân dân cả nước, như các tác phẩm: “Dao găm rèn cho du kích” (1945, Nguyễn Hiêm), “Đoàn kết chống xâm lăng” (1947, Văn Giáo), “Du kích Bến Tre” (1948, Diệp Minh Châu), “Dân công kháng chiến” (1948, Lê Quốc Lộc), “Bộ đội nghỉ trong hang” (1951, Tô Ngọc Vân), “Tay bừa tay súng” (1954, Huỳnh Văn Thuận), “Đi cấy” (1954, Nguyễn Văn Tỵ), “Bộ đội và thiếu nhi” (1950, Nguyễn Thị Kim), “Lớp học bình dân làng Bền” (1948, Trần Văn Cẩn)…
Đặc biệt, triển lãm còn giới thiệu bộ tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị, một trong những tác phẩm kinh điển của thể loại tranh cổ động độc đáo của Mỹ thuật Việt Nam.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định: 80 năm đã trôi qua nhưng những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc. Triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” chính là dịp để chúng ta tôn vinh và tri ân các thế hệ họa sĩ, những người đã sử dụng bút vẽ làm vũ khí, đem nhiệt huyết và cả sự hy sinh để cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân, góp phần làm giàu thêm các giá trị văn hóa Việt Nam.