Festival Mỹ thuật trẻ đang diễn ra tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) nhận được sự quan tâm của nhiều nghệ sỹ và công chúng. Với phong cách thể hiện đa dạng, phóng khoáng với những đề tài xuất phát từ đời sống xã hội hiện tại, những họa sỹ trẻ đã gửi gắm đến người xem nhiều thông điệp ý nghĩa trên sân chơi Festival Mỹ thuật trẻ năm nay.
Du khách tham quan Festival Mỹ thuật trẻ. |
Ấn tượng đầu tiên ở Festival Mỹ thuật trẻ 2011 là sự đa dạng của đời sống mỹ thuật hiện nay. Với 155 tác phẩm nghệ thuật gồm các thể loại: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt, trình diễn, video art... của 136 tác giả trẻ cả nước, Festival lần này thực sự là một không gian sáng tạo của giới trẻ mà ở đó, các nghệ sĩ trẻ có cái nhìn trực diện về những vấn đề nóng của cuộc sống, với những cách thể hiện đầy mới mẻ.
Đề tài mà các tác giả trẻ lựa chọn, thể hiện ở đây phần lớn đề cập đến đời sống.
Trưng bày ở vị trí trung tâm, tác phẩm sắp đặt “Soi gương” của họa sĩ trẻ Trần Văn Thức đã thu hút khá đông người xem. Bằng nhiều chất liệu, Trần Văn Thức đã làm nên một bức tượng thiếu nữ giống như người thật, với trang phục của lứa tuổi teen đang tự ngắm mình trong gương. Theo tác giả, hiện nay, nhiều bạn trẻ ăn mặc và phô diễn thái quá, làm mất giá trị bản thân. Với thông điệp “Đứng trước gương lớn, ngắm mình thật lâu, để thấy mình trong mắt mọi người”, tác giả muốn mọi người hãy “tự soi” mình thật kỹ về mọi mặt, rồi đưa ra quyết định cho bản thân, đừng chạy theo trào lưu như một con rối...
Bảo vệ môi trường cũng là một trong những thông điệp được nhiều họa sỹ trẻ quan tâm và thể hiện bằng nhiều loại hình, chất liệu khác nhau. Rất nhiều người xem ấn tượng với tác phẩm sắp đặt có tựa đề “Xẻ” của tác giả Nguyễn Hoàng Việt (Thừa Thiên - Huế). Tác giả đã dùng thân cây gỗ cắt làm nhiều đoạn, rồi sắp đặt khiến cho người xem cảm nhận thân cây đó như một cơ thể sống, có cả những tế bào, những giọt máu chảy ra. Và cũng không khó để nhận ra rằng, thông điệp mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm này là con người hãy dừng tay, đừng tàn phá thiên nhiên nữa, nếu muốn không hại chính mình... Hay tác phẩm “Nước và sự sống” của Phan Lê Chung với thông điệp hãy bảo vệ môi trường nước sông Hương nói riêng và môi trường nước nói chung. Bức sơn dầu “Phế thải” của Đặng Xuân Hưng (Hà Nội) gây ấn tượng với hình ảnh một em bé đang ngoi ngóp trong dòng nước xung quanh nổi bồng bềnh những vỏ lon bia và nước ngọt. Rồi bức tranh sơn dầu của họa sỹ Lưu Tuyền (Hà Nội) vẽ một bé gái xinh xắn nhưng phải ngồi trong lớp nilông trắng, vì phải chống chọi với môi trường...
Có rất nhiều tác phẩm đề cập đến đời sống của thế hệ trẻ, thái độ của họ trước những vấn nạn của xã hội, từ phận người, đến những giấc mơ hay hiện thực xô bồ... khiến người xem dễ hiểu và đồng cảm.
Ông Nguyễn Như Huy, Giám đốc Không gian nghệ thuật “Ga số không” TP Hồ Chí Minh, thành viên Ban giám khảo cho biết: Festival lần này thể hiện khá rõ nét cá tính của những nghệ sĩ trẻ. Từ cách tiếp cận đề tài mang tính trực diện đến việc mở rộng thành phần Ban giám khảo và việc tạo cơ hội cho các nghệ sỹ trẻ khắp nơi có điều kiện tham gia vào một không gian nghệ thuật, được gặp gỡ, giao lưu với nhau... Về khía cạnh nghệ thuật, ông Huy cho rằng, triển lãm này đã phát hiện, mở rộng và giới thiệu được những chủ đề mới.
Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH, TT & DL), Trưởng Ban tổ chức Festival đánh giá: “Những vấn đề mà các nghệ sỹ trẻ đề cập đến cho thấy rõ ràng đó đúng là cái của những người trẻ làm, là suy nghĩ của những người trẻ hiện nay. Nhiều tác phẩm tôi thấy rất tốt, ví dụ như tác phẩm “Xẻ” của Nguyễn Hoàng Việt, ngôn ngữ sắp đặt của tác giả được thể hiện rất mạch lạc, tác động trực tiếp đến người xem... Nhiều tác phẩm còn cho người xem thấy được tư duy tạo hình của các nghệ sỹ trẻ đã bứt hẳn ra khỏi việc minh họa, mô phỏng lại cuộc sống, mà nó đã có ngôn ngữ, tiếng nói riêng của nghệ thuật đương đại và của thế hệ trẻ bây giờ...”. Cũng theo ông Thành, Festival lần này không chỉ là một cuộc tập hợp lực lượng nghệ thuật trẻ, mà nó còn giúp các nhà quản lý nghệ thuật và xã hội có một cái nhìn sâu sát hơn về những vấn đề của nghệ thuật và của lực lượng sáng tác trẻ hiện nay.
Bài và ảnh: Hạ Sơn