Chuông nặng 1,2 tấn, cao 1,8m, đường kính 1,2m theo mẫu chuông có niên đại thời Trần. Chuông bằng chất liệu đồng đỏ, đúc theo kiểu thượng thu, hạ thách, quai chuông là 2 đầu rồng. Thân chuông chia làm 2 phần, có 4 mặt. Mặt chuông có bài Minh với nội dung ca ngợi Phật giáo, phong cảnh Côn Sơn và công đức vô lượng của việc đúc chuông.
Thượng tọa Thích Thanh Vân, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương cho biết: Chuông là một pháp khí không thể thiếu trong các lễ nghi của Phật giáo, là phương tiện để thức tỉnh, khai mở trí tuệ. Với những người học đạo bước đi trên con đường giải thoát giác ngộ, tiếng chuông có một giá trị thiêng liêng và ý nghĩa sâu sắc. Tiếng chuông chùa rung lên làm cảm động chín cõi mười phương, vang vọng, chuyển tải những lời cầu nguyện của dân chúng cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
Đại hồng chung chùa Côn Sơn sau khi đúc hoàn thiện sẽ được treo ở lầu chuông - gác trống Tam quan nội. Với những giá trị to lớn của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, đại hồng chung hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh kiến trúc lầu chuông - gác trống, tạo thuận lợi cho việc thực hành các lễ nghi tôn giáo truyền thống của chùa Côn Sơn, đáp ứng tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và tăng ni, phật tử cả nước.
Chùa Côn Sơn có tên chữ là Thiên Tư Phúc Tự được khởi dựng từ thế kỷ XIII. Thời Trần, nơi đây là thiền viện lớn của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Thế kỷ thứ XIV, Đệ Tam Thánh Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả về đây trụ trì đã tu bổ, hoàn chỉnh các công trình kiến trúc và hệ thống kinh pháp, giáo lý của dòng thiền Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt. Suốt chiều dài lịch sử, Côn Sơn gắn liền với tên tuổi nhiều danh nhân văn hóa ở các triều đại; là nơi hành hương, chiêm bái của phật tử và nhân dân thập phương.
Trải qua thăng trầm thời gian và chiến tranh, nhiều công trình kiến trúc ở chùa trong đó có lầu chuông - gác trống đã bị hư hại. Năm 2014, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Côn Sơn gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 trùng tu, xây dựng Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, Tổ đường, Hậu đường, các công trình phụ trợ; giai đoạn 2 tu bổ, tôn tạo Giếng Ngọc, lầu Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát, gác chuông…
Trước đó, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2019 đã tổ chức nghi lễ rước nước. Từ sân chùa Côn Sơn, đoàn rước gồm hàng trăm người với rồng, cờ lọng, bát bửu, các cỗ kiệu tiến ra hồ Côn Sơn. Tại đây, các nhà sư làm lễ dâng hương, cáo thần, đăng đàn cầu nước. Các đại biểu thành kính thực hiện nghi thức lấy nước trong vòng sinh khí đổ vào bình thủy rồi rước nước trở lại chùa làm lễ an vị.
Rước nước là một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Côn Sơn với mục đích lấy nước thiêng để thờ cúng trong Phật điện, làm nghi lễ mộc dục (tắm tượng), biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, cầu mùa, cầu nước...