Lễ hội Đền Đô năm 2023 diễn ra trong ba ngày, từ 3 - 5/5 (tức 14 - 16/3 âm lịch) nhằm tưởng nhớ công ơn của Vua Lý Công Uẩn, người khai mở vương triều Lý, phát triển văn minh Đại Việt, đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tái hiện thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 hạn chế người tham gia, điểm nhấn của Lễ hội Đền Đô năm 2023 là đoàn rước với quy mô hơn 1.500 người khởi hành lúc 7 giờ từ chùa Ứng Thiên Tâm (thành phố Từ Sơn) về Đền Đô. Đi đầu là đoàn múa lân, rồng thể hiện hào khí Thăng Long, tiếp đó là ba võ tướng cởi trần, đóng khố, tay cầm chùy đồng và hàng trăm quân lính đi sau uy nghi, hùng dũng cùng kiệu Đức Thánh Mẫu, các kiệu vua triều Lý.
Toàn bộ nghi thức rước được thực hiện trang trọng theo truyền thống, thể hiện tấm lòng thành kính đối với các bậc minh vương nhà Lý đã có nhiều công lao to lớn với dân với nước và cầu mong quốc thái dân an.
Cùng với phần lễ, phần hội diễn ra phong phú hoạt động văn hóa, thể thao như hát Quan họ, thi cờ tướng, đấu vật, bóng chuyền hơi, bóng bàn, thi gói bánh phu thê, thi nấu cơm niêu đất, giao lưu thơ ca, khiêu vũ thể thao…
Để Lễ hội diễn ra an toàn, công tác tổ chức, bảo đảm an ninh trật tự được chú trọng. Ban Tổ chức Lễ hội Đền Đô năm 2023 đã thành lập và phân công chức năng, nhiệm vụ cho từng tiểu ban như: Tiểu ban hậu cần, Tiểu ban an ninh trật tự, Tiểu ban đối ngoại... Công an thành phố Từ Sơn với sự hỗ trợ của Công an tỉnh Bắc Ninh và các lực lượng dân quân, dân phòng, Công an phường Đình Bảng tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại từng khu phố, bảo đảm Lễ hội được tổ chức trang trọng, văn minh...
Tất cả các hộ kinh doanh tư nhân gần khu vực Lễ hội ký cam kết, thực hiện nghiêm các quy định về an ninh trật tự, an toàn thực phẩm và phòng, chống cháy nổ. Các bến, bãi trong giữ xe được bố trí, sắp xếp gọn gàng, không để xảy ra trục lợi từ việc thu phí gửi xe không đúng theo quy định.
Đến với Lễ hội Đền Đô, du khách được tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, đặc biệt là lịch sử triều Lý, được tham quan khu “Sơn lăng cấm địa” - một di tích lịch sử mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc gồm 11 lăng - nơi an nghỉ cuối cùng của các vị Vua triều Lý (Lăng Vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng, Lăng Phát tích - thờ bà Phạm Thị và Lăng Nguyên phi Ỷ Lan); đồng thời, tìm hiểu lịch sử đất nước dưới triều đại nhà Lý.
Năm 2014, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng vạn khách đến tế lễ, tham quan, du lịch.