Trong khuôn khổ Festival Huế 2012, tối 12/4, tại sân khấu nổi phía Bắc sông Hương, bên cạnh cầu Trường Tiền (TP Huế) đã diễn ra lễ hội sân khấu hóa “Thiên hạ thái bình” - một trong những lễ hội chính của Festival Huế năm nay. Hơn 1.000 nghệ sỹ tham gia biểu diễn trong lễ hội lớn này.
Được coi là gạch nối kế tiếp của lễ hội “Hành trình mở cõi” diễn ra dịp Festival Huế 2010, lễ hội “Thiên hạ thái bình” là câu chuyện kể về khát vọng thái bình, ấm no, hạnh phúc của mọi tầng lớp nhân dân, thông qua các hình thức nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế như Nhã nhạc cung đình Huế, múa kết hợp với những áng thơ bất hủ của cổ nhân, cùng những lời bình thi vị được sử dụng làm mạch dẫn xuyên suốt lễ hội độc đáo này.
“Thiên hạ thái bình” gồm 3 chương với 9 hồi, có thời lượng khoảng 90 phút.
Chương 1 “Nước ngàn năm văn hiến” tập trung làm nổi bật truyền thống ngàn năm văn hiến của đất nước được vun đúc qua nhiều thế hệ kẻ sĩ, nhân tài, các tầng lớp sĩ, nông, ngư, tiều... thể hiện sức mạnh đoàn kết của muôn dân trong xã hội.
Chương 2 với chủ đề “Muôn dân hưởng thái bình” tập trung thể hiện cuộc sống thanh bình, no ấm với mưa thuận gió hòa trên nền của tốp múa cách điệu cho tơ bông và đồng lúa, các cụm thợ dệt bên khung cửi đang dệt nắng vàng; các nông phụ thoăn thoắt gặt lúa chín, các nông phu quẩy thóc trĩu hạt...
Chương 3, chương cuối cùng của lễ hội có chủ đề “Thịnh vượng cả trời Nam”, khẳng định sự thịnh trị của một đất nước ngàn năm văn hiến, trăm họ vui mừng khai hoang, dựng nhà, trồng cây tạo nên sự trù phú, thịnh vượng, khắp nơi vui hưởng thái bình.
Phương Hà