Con số này tương đương với mọi năm, tuy nhiên đến đầu tháng 11/2018, thị trường lịch Thành phố Hồ Chí Minh vẫn khá ảm đạm, vắng người mua. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất lịch trong nước vẫn tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, để đưa ra thị trường những ấn phẩm lịch tôn vinh giá trị văn hóa, con người Việt.
Nhu cầu sử dụng lịch thay đổi
Những năm gần đây, người tiêu dùng không còn thói quen xem ngày, tháng trên các sản phẩm lịch mà thay vào đó là sử dụng thiết bị công nghệ hỗ trợ như đồng hồ, điện thoại, máy tính bảng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3), Lý Thái Tổ (Quận 10) – nơi từng tấp nập cảnh người mua, kẻ bán lịch vào thời điểm cuối năm, thì nay chỉ thưa thớt vài cửa hàng bám trụ với nghề. Đối tượng khách hàng đến mua chủ yếu vẫn là bạn hàng thân thiết và khách mua sỉ.
Tìm đến các cửa hàng bán lịch trong thời điểm đầu tháng 11, trưng bày nổi bật vẫn là các sản phẩm lịch bloc với nhiều kích thước, hình ảnh phong phú. Màu đỏ, vàng xuất hiện chủ đạo trên các ấn phẩm lịch bloc kích thước 30x40cm, 25x35cm, 20x30cm…; giá niêm yết từ 250.000 – 450.000 đồng/bộ. Bên trong, lác đác vài tờ lịch treo tường theo mẫu, hình vẽ có sẵn trên internet, khá lòe loẹt. Ngoài ra, các loại lịch để bàn, một số kèm giấy ghi chú kế hoạch công việc, có thiết kế đơn giản, màu sắc nhợt nhạt.
Đại diện một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, khách hàng tìm đến chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, các công ty bảo hiểm. Họ đặt theo số lượng lớn từ 100 bộ lịch bloc, lịch bàn để biếu tặng đối tác, khách hàng thân thiết. Tùy theo số lượng yêu cầu, chủ cửa hàng sẽ tự động chiếu khấu từ 30% lên đến hơn 60% tổng hóa đơn, bao gồm công in chữ mạ vàng tên công ty và đóng hộp đầy đủ.
Ông Nguyễn Thành Vinh, có thâm niên kinh doanh lịch hơn 10 năm nay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3) chia sẻ: Cùng thời điểm này, năm ngoái khách hàng đến đặt lịch cho công ty, doanh nghiệp bảo hiểm nhiều, nhưng năm nay vắng hơn hẳn. Theo ông Vinh, có thể do các công ty lớn có đội ngũ thiết kế riêng, chuyên nghiệp có nhiệm vụ thiết kế theo yêu cầu của họ nên các doanh nghiệp không còn nhu cầu liên hệ với các đại lý lịch nữa.
Tương tự, các cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Lý Thái Tổ cũng gặp khó trong việc thu hút người tiêu dùng. Chị Nguyễn Hằng, một cửa hàng bán lịch trên đường Lý Thái Tổ (Quận 10) cho biết, nguyên nhân các cửa hàng bán lịch trên tuyến đường này ngày càng thu hẹp dần là do kinh doanh không thuận lợi. Người tiêu dùng gần như quên hẳn thói quen xé từng tờ lịch mỗi ngày nên nhu cầu mua lịch ngày càng giảm. Vì vậy, để cải thiện kinh tế gia đình, chị Hằng cho hay kinh doanh thêm lĩnh vực thiết kế danh thiếp, thiệp cưới cho khách hàng khi có yêu cầu.
Bên cạnh xu hướng của người tiêu dùng ngày càng ít chọn lựa mua lịch, tìm hiểu về khâu sản xuất năm nay, các doanh nghiệp chia sẻ gặp khó ở khâu nguyên liệu, đặc biệt là giấy in.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn An Hảo cho biết: Nhìn chung giá các loại lịch bloc không tăng so với năm ngoái, tuy nhiên mùa lịch năm nay các nhà làm lịch hầu hết đều gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là vật tư, giấy, giá gia công đều tăng; đặc biệt là giấy - nguyên liệu chính để in ấn lịch tăng đến 25% so với năm ngoái.
“Dù vậy, giá bán sản phẩm lịch được giữ ổn định, không tăng. Giá chiết khấu vẫn tương đương năm ngoái dẫn đến lợi nhuận giảm rất nhiều. Các nhà làm lịch nhỏ, lẻ nếu không thận trọng trong kinh doanh sẽ tồn đọng hàng hóa, chậm tiêu thụ. Rủi ro này là rất lớn”, ông Tuấn chia sẻ.
Tôn vinh giá trị văn hóa, tinh thần
Nghiên cứu về thị trường lịch những năm qua, các nhà làm lịch cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin và xu hướng của người tiêu dùng, các ấn phẩm lịch đòi hỏi yêu cầu cao hơn về kỹ thuật và hình ảnh. Ấn phẩm lịch hiện đại không chỉ để xem ngày, tháng mà phải thể hiện được gu thẩm mỹ, chuyển tải được nội dung có giá trị. Vì vậy, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vốn khốc liệt, nay lại càng khó khăn hơn.
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi cách làm, ưu tiên cho chất lượng nội dung, đặc biệt là chú trọng hình ảnh, đề tài về lịch truyền thống như: Phong cảnh, tài lộc phong thủy, ẩm thực, sức khỏe, du lịch, giải trí… Tiêu biểu trong thị trường lịch Xuân Kỷ Hợi 2019 là bộ lịch bloc chủ đề “Đất nước mến yêu” (Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Nhất Thống), bộ lịch bloc chủ đề “Văn hóa ẩm thực Việt Nam”, “Cây thuốc vị thuốc quanh ta” (Công ty trách nhiệm hữu hạn An Hảo)…
Nổi bật trong mùa lịch năm nay là chủ đề biển đảo, được Công ty Lịch Xuân Phương Nam thể hiện qua bộ lịch bloc “Trường Sa trong trái tim tôi”. Đây cũng là bộ lịch bloc về Trường Sa đầu tiên được phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Theo đó, 52 tờ lịch tuần là tổng hợp các hình ảnh về biển đảo Trường Sa, được thực hiện trong chuyến đi thực tế năm 2017 do nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, đại diện Công ty Lịch Xuân Phương Nam và cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa ghi lại bằng máy ảnh và điện thoại di động.
Tương tự, hướng tới truyền thống, văn hóa dân tộc, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Hảo đã dành 2 năm nghiên cứu tác phẩm thơ nôm “Lục Vân Tiên” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có từ thế kỷ XIX để cho ra mắt bộ lịch bloc chủ đề “Lục Vân Tiên”. Truyện thơ "Lục Vân Tiên" vẫn còn nguyên vẹn giá trị và càng được đề cao trong bối cảnh xã hội hiện nay, đó là tinh thần thượng nghĩa, tấm lòng nhân ái, bao dung. Bộ lịch bloc 365 ngày “Lục Vân Tiên” ra đời nhằm chuyển tải đến người xem thông điệp ý nghĩa đó, bằng các bức họa tỉ mỉ, sống động minh họa cho các vần thơ của cụ Đồ Chiểu.
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn An Hảo chia sẻ thêm, doanh nghiệp mạnh dạn phát hành hơn 30.000 bộ lịch ra thị trường Xuân Kỷ Hợi 2019, phần lớn dành cho khách hàng bán sỉ đã đặt từ trước. Đến nay, Công ty đã bán được hơn 20.000 bộ, sức mua ổn định, đảm bảo kế hoạch kinh doanh. Đáng mừng hơn nữa là một vài chủ đề lịch bloc của năm 2017 vẫn tiếp tục được in nối bản, phục vụ nhu cầu của thị trường như bộ lịch bloc “Cây thuốc vị thuốc quanh ta”…
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, sản phẩm lịch trước đây chỉ phục vụ nhu cầu xem ngày, tháng, sắp xếp công việc của người tiêu dùng. Nhưng công nghệ hiện đại xuất hiện đã hỗ trợ rất nhiều, làm mất dần thói quen này của nhiều người tiêu dùng, đây là thách thức rất lớn đối với những người sản xuất lịch. Dù vậy, để tiếp tục tồn tại và phát triển sản phẩm lịch, những người làm lịch đã thổi hồn vào trang giấy những hình ảnh về văn hóa, lịch sử, đất nước con người Việt, làm cho các ấn phẩm lịch trở nên đẹp mắt, có sức sống.
Ông Lê Hoàng hy vọng, với ý nghĩa phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần, các ấn phẩm lịch do chính người Việt làm sẽ tiếp tục phát triển, có vị trí đặc biệt trong lòng người tiêu dùng.