Lưu giữ hồn cốt Trà sen Tây Hồ

Trà sen làm từ sen Tây Hồ không chỉ là biểu tượng của sự thanh khiết, cao quý, đã gắn bó với người dân Hà Nội từ bao đời nay, mà còn trở thành thức uống độc đáo mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô.

Hồn cốt hoa sen

Với những cánh đồng sen rộng lớn hình thành từ xa xưa, Tây Hồ vốn là nơi hội tụ của các yếu tố thiên nhiên thuận lợi, tạo điều kiện lý tưởng cho loài hoa sen bách diệp phát triển. Vợ chồng ông bà Ngô Văn Xiêm - Lưu Thị Hiền, chủ doanh nghiệp Hiền Xiêm (quận Tây Hồ) đến nay đã theo nghiệp sản xuất trà sen được hơn 50 năm. Được các cụ truyền lại, ông bà trân quý nối nghiệp, luôn mong muốn hướng các con theo nghề. Đam mê cốt cách thanh cao của hoa sen khi còn nhỏ, ông Xiêm đã biết làm trà sen từ hồi học lớp một và gia đình làm trà sen chủ yếu để uống và giao lưu bạn bè. Tình yêu hoa và trà sen theo đó bén dần với vợ chồng ông cho đến tận bây giờ...

Chú thích ảnh
Trò chuyện cùng vợ chồng ông bà Ngô Văn Xiêm - Lưu Thị Hiền, chủ doanh nghiệp trà sen Hiền Xiêm (quận Tây Hồ).

Đặt cả tâm tình vào của người làm nghề vào từng búp trà, bà Lưu Thị Hiền khẳng định, chỉ làm trà sen bằng tâm mới có thể toát được hương cốt tinh túy nhất của hoa sen. Xúc động nghĩ về những vất vả đã đi qua, bà Hiền cho rằng, thương hiệu trà sen Hiền Xiêm được như bây giờ là nhờ sự chuyên tâm, nỗ lực của mọi thành viên trong gia đình, vượt qua bao thăng trầm, chân lấm tay bùn, nắng mưa sớm tối... Chỉ những người chịu thương chịu khó, chịu được vất vả mới có thể gắn bó lâu dài với nghề làm trà sen.

“Đều đặn hàng năm, sen vào mùa mỗi độ hè về, người làm trà phải tất bật canh hoa sen mỗi dịp nắng nóng. Dưới tiết trời lên đến 40 - 50 độ, người làm trà không được làm việc dưới quạt, lại càng không được ngồi trong điều hòa, mà phải đổ mồ hôi dưới nắng nóng oi bức, mới có thể giữ được hương sen. Với người trẻ, đó là những thử thách không nhỏ. Hiện đã ngoài 70 tuổi, nhưng mỗi dịp hè về, tôi vẫn miệt mài kiên trì làm từng mẻ trà cho đến tận ngày hôm nay. Ngồi bên nhau tâm tình hồi tưởng những năm tháng làm nghề sản xuất trà sen đã qua, tôi đã được hoa sen địa phương trả công xứng đáng và hạnh phúc khi thương hiệu trà sen Hiền Xiêm của gia đình khi được người dân và du khách cả nước biết đến...”, ông Xiêm tâm sự.

Chú thích ảnh
Đầm sen của gia đình chị Trần Thị Hà.
Chú thích ảnh
Chị Trần Thị Hà thu hoạch sen.

Chạy xe vòng quanh hồ Tây, phóng viên gặp đầm sen của chị Trần Thị Hà (ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ). Bén duyên với nghề trồng sen đến nay đã được hơn 25 năm, chị Hà là một trong những chủ đầm sen quân Tây Hồ, với 1 ao sen trắng và 4 ao sen hồng. Kể về niềm yêu thích của mình với loài hoa thanh tao này, chị Hà cho biết, hoa sen giờ đã có thể trồng quanh năm, tuy vậy, riêng hoa sen bách diệp Tây Hồ cứ đến mùa lạnh là tàn lụi đi, khó trồng và “đỏng đảnh” như thời tiết, nhưng chị Hà vẫn tâm huyết, gắn bó với loài hoa này hàng chục năm qua. Và chỉ có sen bách diệp mới cho ra được hương sắc, hồn cốt của hương trà sen truyền thống.

Chú thích ảnh
Đến mùa sen, giá đình chị Trần Thị Hà lại tất bật thu hoạch sen sản xuất trà.

Mọi thành viên trong gia đình chị Hà đều làm những thợ làm trà sen có tiếng khắp Hà Nội. Từ những năm 2004, được khách đặt mua hoa sen nhiều và gợi ý làm thêm nghề sản xuất trà sen, chị Hà đã bắt tay vào làm nghề. Tuy vậy, thời gian đầu, việc sản xuất và tìm khách hàng mua trà sen không mấy thuận lợi, thậm chí thua lỗ. Chán nản, chị đã cất trà sen vào tủ đông với mong muốn trữ lại để sử dụng và không ngờ rằng, cất trà sen từ mùa hè đến tận 30 Tết, trà vẫn còn tươi, uống thơm, đậm vị... Cách bảo quản đó đến nay vẫn được gia định chị Hà và người làm nghề trà sen áp dụng...

Chú thích ảnh
Khu vực thực hiện đề án khôi phục vùng trồng sen Tây Hồ.
Chú thích ảnh
Đàm sen Tây Hồ vào vụ.
Chú thích ảnh
Hoa sen sau thu hoạch.

Đến nay, doanh nghiệp trà sen Hiền Xiêm hay đầm sen của chị Hà đã được nhiều du khách trong cả nước đặt hàng. Một truyền mười, mười truyền trăm, mọi người đến giờ vẫn truyền tai về trà sen Tây Hồ, khi pha nước, qua từng ngụm trà, người thưởng thức như cảm nhận được hương vị của thiên nhiên, sự tĩnh lặng của hồ nước và vẻ đẹp của hoa sen. Hiện nay, trà sen Tây Hồ đã trở thành một phần không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, sum họp gia đình hay những buổi trà đạo trang trọng của không ít người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

Phát triển vùng trồng sen

Nghề làm trà sen Tây Hồ đã có lịch sử lâu đời. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, trà sen là minh chứng cho quá trình khai phá, tận dụng lợi thế của tự nhiên của người dân bản địa, đưa trà sen trở thành danh trà của Thủ đô. Song, nghề trồng hoa sen và sản xuất trà sen Tây Hồ cũng đang đứng trước nhiều khó khăn.

“Từ khoảng 10 năm trước, do ô nhiễm môi trường, nguồn nước, hoa sen rất khó trồng. Riêng sen bách diệp cứ gặp mưa là lụi tàn. Tát nước cạn, hoa vẫn lên, nhưng bông hoa phát triển còi cọc, khó tạo được mùi hương đặc trưng... Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa, biến đổi khí hậu, cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giống sen Tây Hồ. Đây là những bài toán nan giải với người trồng sen hiện nay”, chị Hà chia sẻ.

Để phát triển vùng trồng sen, cần có sự đầu tư và quy hoạch bài bản. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2316/QĐ-BVHTTDL về việc đưa nghề thủ công truyền thống làm trà sen Tây Hồ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong đó, tạo điều kiện nâng cao cho người trồng sen kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch, tăng năng suất và chất lượng vùng trồng; đồng thời, có kế hoạch bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái tự nhiên các vùng trồng sen, đảm bảo hoa sen có thể phát triển ổn định, bền vững hàng năm.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Thế Vinh, Bí thư Đảng ủy phường Quảng An chia sẻ.

Thời gian qua, Hồ Tây cũng đã được TP Hà Nội giao cho quận Tây Hồ quản lý. Việc trồng sen, nghề sen và hình ảnh của của hoa sen Tây Hồ được các cấp chính quyền cơ sở đưa vào diện bảo tồn khai thác, gắn liền với phát triển công nghiệp văn hóa. Bày tỏ niềm tự hào với giống sen bách diệp là nét văn hóa giá trị đặc trưng của địa phương, ông Phạm Thế Vinh, Bí thư Đảng ủy phường Quảng An, quận Tây Hồ cho biết, UBND phường đã tập trung thực hiện đề án khôi phục và phát giống sen bách diệp trên cơ sở hỗ trợ của các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Kết quả bước đầu đã khôi phục lại và nhân rộng được giống sen bách diệp trên một số đàm, ao hồ tại các khu vực hồ Thuỷ Sứ, chùa Phổ Linh, ao Đầu Đồng... Kết quả ghi nhận khả quan, nhất là trong mùa sen năm 2024 vừa qua. Trên cơ sở đó, nhiều sản phẩm hoa sen địa phương đã được trưng bày, đưa vào sử dụng tại Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024.

Chảy dọc theo dòng chảy văn hóa Hà Nội, hoa sen không chỉ là thú chơi, trà sen không chỉ là thức uống, mà còn đại diện cho sự thưởng thức, trở thành biểu tượng bản sắc văn hoá Tây Hồ. Hương thơm thanh nhã và vị đậm đà của trà sen nơi đây mang đến cho người dùng những trải nghiệm tinh tế, gợi nhớ nhiều về những kỷ niệm xưa cũ của người Hà Nội.

Minh Ngọc/Báo Tin tức
Nghề ướp trà sen Quảng An: Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia
Nghề ướp trà sen Quảng An: Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 2316/QĐ-BVHTTDL về việc đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN