Đối xử với nhau thế nào sau ly hôn để không ảnh hưởng tiêu cực đến tâm tư, tình cảm và cả tương lai của vợ cũ/chồng cũ là điều không dễ làm, khi mà giữa hai con người một thời “đầu gối tay ấp” ấy có những đứa con được sinh ra từ tình yêu của chính họ.
“Hôn nhân, điền thổ...”
Khi hôn nhân tan vỡ, hầu hết các cặp vợ chồng từng “không thể chia lìa” thì nay nhìn nhau với ánh mắt xa lạ và nghĩ về nhau với lòng chán ghét, hận thù. Họ hành xử không khác gì con nít và rất chịu khó nghĩ ra các chiêu để gây khó khăn cho phía bên kia.
Lấy chồng từ năm 25 tuổi, có liền với nhau 2 mặt con, cuộc sống với người chồng ích kỷ, hẹp hòi khiến không khí gia đình chị Hoa luôn nặng nề. Chán nản, bế tắc, nhiều lần chị tính làm đơn xin ly hôn, nhưng cứ lần nào chị định gửi đơn lên tòa thì anh chồng lại năn nỉ, tỏ vẻ hối hận và hứa sẽ sửa đổi. Một phần ngại tiếng “bỏ chồng – chồng bỏ”, thêm nữa cũng muốn giữ “gia đình” vì con còn quá nhỏ nên chị lại thôi. Biết vậy, anh chồng càng được thể, hứa cho xong chuyện rồi vẫn chứng nào tật ấy. Không thể chịu nổi cuộc sống ngột ngạt, đầu năm 2010, chị chính thức gửi đơn ra tòa, khi ấy đứa lớn nhà chị đang học lớp 10, đứa bé cũng sắp hết tiểu học. Nhưng cũng từ đó, cuộc sống của chị không khi nào được yên ổn vì những trò quấy rối của anh chồng mất nết.
Chồng cũ của chị nói xấu chị với tất cả đồng nghiệp, bạn bè chung, thậm chí còn đặt điều, vu cho chị những thói hư tật xấu như ngoại tình, bỏ bê gia đình, không chăm sóc con cái. “Những điều ấy thì tôi không thèm chấp, nhưng đến khi anh ta liên tục nhắn tin chửi rủa, đe dọa cuộc sống của ba mẹ con tôi thì tôi đành phải nhờ chính quyền can thiệp”, chị Hoa kể lại, giọng vẫn chưa hết bức xúc.
Còn lý do đưa nhau ra tòa của vợ chồng anh Tường nghe thật đáng buồn. Vợ anh là người hay chấp vặt, xét nét chồng từng li từng tí, việc gì của chồng (thậm chí là công việc cơ quan) chị cũng tham gia. Chị còn chỉnh sửa cả câu chữ trong lời ăn tiếng nói của chồng. Thương con, lại nghĩ mình là bộ đội, không có điều kiện cả về thời gian và kinh tế để chia sẻ, giúp đỡ vợ nên anh luôn nhường nhịn và cố gắng làm theo những gì vợ “dạy bảo”. Dần thành quen, chị cho rằng mình luôn luôn đúng, hễ anh có ý kiến khác là chị giận dỗi, không thèm nói chuyện, có khi hàng tháng trời vợ chồng không nói với nhau câu nào và tất nhiên “chuyện ấy” cũng quên đi. Cái điệp khúc “về bà ngoại” – “về nhà mình” – “về bà ngoại” cứ lặp đi lặp lại.
“Con gái tôi ngơ ngác không hiểu bố mẹ làm sao vì cứ về đến nhà là không ai nói với ai câu nào. Những thông tin bên ngoại bên nội hầu như tôi chỉ được biết qua những mẩu giấy hay qua con nói”, anh Tường kể lại.
Nhiều lần như thế, không chịu đựng nổi thái độ lạnh nhạt của vợ, anh Tường chủ động đề nghị chia tay. Giành được quyền nuôi con, chị cho rằng anh không xứng đáng làm bố nên đã ngăn không cho anh gặp con. “Tôi mua gì cho con cô ấy cũng không cho nhận, có lần vứt bỏ ngay trước mặt con. Tội nghiệp con bé, chỉ dám len lén nhìn bố rồi bước đi theo mẹ. Không biết rồi khi lớn lên, con tôi sẽ thế nào”, anh Tường thở dài.
Ngăn không cho gặp mặt con với muôn vàn lý do xem ra rất hợp lý, hay hàng ngày rót vào tai con những điều xấu xa của bố/mẹ là cách làm của không ít các bậc cha mẹ sau ly hôn.
Con cái lãnh đủ
Khi cha mẹ ly hôn, con cái phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Có trẻ không những rơi vào cảnh thiếu cha thiếu mẹ mà còn phải chịu thêm cảnh không đủ anh đủ chị.
Con gái lớn chị Hoa một lần vô tình đọc được tin nhắn của bố chửi rủa mẹ đã rất đau khổ. Sức học của cháu sa sút dần, cháu trở nên câm lặng. Chị đau lòng khi lén đọc nhật ký của con: “Bố làm gì thế? Con không nhận ra bố nữa. Đâu rồi những bài học đạo đức làm người bố đã từng dạy con…?”. Giá như anh chồng chị Hoa biết cách cư xử có văn hóa, tôn trọng vợ cũ, luôn quan tâm và chia sẻ với chị trong việc nuôi dạy con cái, chắc chắn con chị không bị sốc và có những tâm lý đáng lo ngại như thế.
Nhiều lần tìm cách gặp con không được, anh Tường đã trao đổi thẳng thắn với vợ cũ để tìm cách giải quyết vấn đề trước khi quá muộn. Rất may, chị này đã kịp thời hiểu ra rằng, quyền lợi của con là trên hết. Chị biết con mình cần tình thương của cha và nhà nội nên các dịp lễ, Tết chị đều đưa con sang thăm viếng, dù chị không muốn đi, sợ bị hiểu lầm là muốn níu kéo tình cảm.
Vượt qua tự ái cá nhân, đặt quyền lợi của con lên trên là kinh nghiệm, bài học từ những người đã thành công trong việc nuôi dạy con cái, “ràng buộc” được người cũ làm tròn trách nhiệm với con khi hôn nhân đổ vỡ. Một chuyên gia tâm lý nhiều kinh nghiệm tư vấn các vụ ly hôn chia sẻ: “Con cái cần được bù đắp tình cảm nhất là khi cha mẹ ly hôn, vì chính các cháu là người chịu thiệt thòi kép. Hơn nữa, vai trò của cả cha lẫn mẹ là rất cần thiết để trẻ con phát triển toàn diện và cân bằng. Đem con đi giấu hay ngăn cản quyền thăm nuôi, dạy con ghét người sinh thành chỉ là để thỏa mãn sự ích kỷ của cha mẹ. Điều đó sẽ càng gây tổn thương, thiệt thòi nhiều hơn cho con. Chồng/vợ có thể không tốt với nhau, nhưng với con thì phải khác”.
“Giữ được tình thân, cội nguồn cho con, và quan trọng hơn là chính người trong cuộc cũng không còn sống trong sự giận hờn, căm ghét - là những giá trị tích cực mà mỗi người cần tự trang bị cho mình”, chuyên gia này nói thêm.
Trang An