Cuốn nhật ký có tựa đề “Thế hệ Hồ Chí Minh”, dày 35 trang, chứa đựng lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp của một nữ chiến sĩ chưa rõ tên vừa được ông Huỳnh Văn Sáng, ở ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên trao lại cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, với mong muốn tìm được chủ nhân cuốn nhật ký và nhân thân của liệt sỹ.
Cuốn nhật ký và những bức ảnh đi kèm. |
Nhật ký ghi chép những năm tháng công tác, hành quân của nữ chiến sĩ vô danh, trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1966, trên vùng đất Chiến khu Đ, thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.
Ông Sáng cho biết, cách đây không lâu ông đã tìm được cuốn nhật ký trong bọc ni lông, bị chôn vùi bên cạnh các hài cốt liệt sĩ trong khu mộ của gia tộc ông. Theo ông Sáng, năm 1966 có 6 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh ác liệt ở xã Tân Mỹ đã được chôn trong khu mộ của gia tộc ông. Cuốn nhật ký có thể là của 1 trong 6 chiến sĩ này.
Bị chôn trong lòng đất đã 50 năm qua nhưng cuốn nhật ký vẫn rõ ràng từng chữ. Rất tiếc tác giả cuốn nhật ký không nói rõ tên tuổi, quê quán của mình, do phải giữ bí mật trong kháng chiến. Song nét chữ và nội dung trình bày thể hiện đây là một phụ nữ, xưng tên “M.”, từng dạy học và có nhiều đoạn nhắc đến người thân quê ở Cần Thơ. Đặc biệt trong cuốn nhật ký có một số bài thơ và 6 tấm ảnh. Trong đó có ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, một số ảnh về chân dung của một cô gái còn trẻ được phỏng đoán là tác giả cuốn nhật ký. Ngoài ra là ảnh của người thân, đồng chí và đồng đội.
Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: Cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” có giá trị lớn về tư tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng khá sâu sắc. Ban Tuyên giáo cho biết sẽ đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thẩm định giá trị cuốn nhật ký này và in thành sách, để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ thanh niên ở tỉnh Bình Dương.
Ông Phùng Hữu Đinh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Thủ Dầu Một cho biết: "Đọc cuốn nhật ký tôi như sống lại thời hào hùng trai trẻ. Cuốn nhật ký chứa đầy lý tưởng sống cao đẹp, nhận thức sâu sắc về Đảng, về con đường cách mạng của người viết". Theo ông Đinh, cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” có tư tưởng rất trong sáng nên mãi còn giá trị, nhất là trong giai đoạn hiện nay mà Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, kiểm điểm tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trích đoạn cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”
- Đêm 1-1-1965: Đêm nay được nghe chú Năm nói chuyện tình hình thời sự, M. rất phấn khởi. Quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày một nhiều hơn, vẻ vang hơn. M. phải nỗ lực trau dồi để tiến kịp bè bạn, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và dám hy sinh tính mạng khi Tổ quốc cần đến. Phải tỏ thái độ dứt khoát bạn - thù, trước mặt kẻ thù không do dự.
Qua lời kể của chú Năm, M. soi rọi bản thân, phải cần học tập thêm, tư tưởng luôn hướng đến lý tưởng cộng sản, chân lý của cách mạng.
“Ta hãy nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn - vì Tổ quốc”. Vâng! M. phải cố gắng làm được. Tự kiểm điểm lại mình, M. thấy mình còn thiếu sót là chưa tận tình giúp đỡ những bạn nhỏ tuổi hơn mình, phải quan tâm nhiều hơn những bạn mà tổ Đoàn phân công mình giúp đỡ.
- Tuổi còn trẻ
- Đời còn dài
- Vì Tổ quốc
- Nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn
- Gạt bỏ tư tưởng cá nhân
- Học tập trau dồi nhiều hơn, tốt hơn.
- Ngày 10-1-1965: Qua kỳ kiểm tra lịch sử, M. thấy rằng bản thân mình cần tránh bệnh chủ quan, chỉ tập trung trọng tâm mà quên đi những việc nhỏ của bài vở, kết quả chưa hài lòng.
Hướng tới: Cần phấn đấu hơn nữa trong học tập, tập trung cao độ, đào sâu suy nghĩ, nghiên cứu nhiều, có như vậy tư tưởng mới thoải mái, học tập đem lại kết quả tốt. Như thế mới xứng đáng là đứa con của gia đình, của cách mạng, của Đảng. |
Bài và ảnh: Dương Chí Tưởng