Nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật được nhiều người biết tới đang ngày một phát triển mạnh cả về số người chơi ảnh và chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện vẫn có một bộ phận những người chơi ảnh còn lúng túng trong con đường sáng tác ảnh, chưa phân biệt được thế nào là ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí, ảnh chân dung…?
Nhiếp ảnh ra đời từ năm 1839 đến nay đã được hơn một thế kỉ và đến giữa thế kỉ 19 (năm 1950) thì thế giới công nhận nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật. Mặc dù vậy, ở Việt Nam nhiều người vẫn không thừa nhận vì họ cho rằng nhiếp ảnh là sao chép, đây là tư duy thiếu rộng mở về bộ môn này. Cá nhân tôi đánh giá nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật, nó ngang tầm với nhiều bộ môn nghệ thuật khác, nó phiêu linh, ẩn dụ trong nhiều khía cạnh cuộc sống xã hội, thiên nhiên và con người…
Thiếu nữ dân tộc Mông trong phiên chợ Cán Cấu. |
Hiện nay có nhiều bức ảnh gọi là tác phẩm khi đến công chúng người xem vẫn bị nghi ngờ là sao chép. Để xác định thế nào là bức ảnh nghệ thuật, người ta phải nói với nhau: ”Nghệ thuật là sự cảm nhận của mỗi trái tim, mỗi con người khi thưởng thức nó, có thể người này cho là nghệ thuật, người kia không cho là nghệ thuật vì nó là cảm xúc riêng tư trong phạm trù tâm lý tình cảm của mỗi người”. Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận những bức ảnh chụp phong cảnh đẹp được số đông người ưa thích thì ta phải thừa nhận đó là tác phẩm. Một bức ảnh đẹp ta phải dựa trên nhiều yếu tố, như văn hóa, phong tục vùng miền, con người, cuộc sống mỗi quốc gia… Còn một khía cạnh khác cũng cần nói thêm: Một bức ảnh được chụp rất đẹp, rất đặc sắc, về nghệ thuật nếu ở thành phố người ta cảm nhận được nhưng đưa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chắc hẳn người xem không cho là đẹp, không đánh giá được giá trị nghệ thuật. Nói một cách khác như thể loại nhạc không lời, nếu biểu diễn ở các nước phương Tây thì được nhiều người thưởng thức, gây được cảm xúc mạnh, còn nếu biểu diễn ở những vùng miền, trình độ thưởng thức thấp thì giá trị nghệ thuật không có tác dụng đối với người nghe.
Nhiếp ảnh VN hiện đang tồn tại hai dòng: Dòng thứ nhất là dòng chủ lưu phản ánh hiện thực cuộc sống, dòng này sẽ không bao giờ mất đi được. Bên cạnh dòng chủ lưu là dòng sáng tạo, trong sáng tạo ảnh nghệ thuật chia ra hai thể loại khác nhau, một là người ta tái hiện lại cuộc sống bằng cách dàn dựng để miêu tả lại cái cảm xúc đó mà sự kiện đó đã đi qua rồi. Thể loại thứ hai phản ánh hình ảnh trong đời thường trên mỗi quốc gia về nội tâm của con người, ngoài ra còn thể loại phi vật thể người ta tái tạo hình ảnh bằng tâm tư tình cảm cuộc sống bằng cách dàn dựng lại, người ta gọi là nhiếp ảnh ý tưởng. Riêng cá nhân tôi quan niệm nhiếp ảnh diễn ra hàng ngày trong cuộc sống tôi cho đó là phần ngọn của cuộc sống, còn phần nữa là thế giới nội tâm là phần gốc của cuộc sống vì nó hội tụ đầy đủ cốt cách, bản chất, tinh thần cuộc sống của mỗi con người. Cái hội tụ đó, chi phối trên thế giới hiện hình, vì trong tư tưởng tôi hôm nay suy nghĩ thế nào thì ngày mai tôi có hành vi ứng xử với cuộc sống sẽ chi phối nó. Nếu ví cái thế giới hiện hữu là phần ngọn, thì thế giới nội tâm là gốc rễ. Theo tôi, nhiếp ảnh hiện nay của chúng ta chưa đi sâu, nghiên cứu miêu tả cái phần gốc rễ đó.
Nói về đời sống nhiếp ảnh Việt Nam thì chưa có thời kì nào phong trào phát triển mạnh như hiện nay, đây là điều đáng mừng, mừng là vì mỗi chúng ta những người cầm máy ghi lại được từng khoảnh khắc để lại cho tương lai những hình ảnh mà mai sau không bao giờ có được. Hôm nay nó là kỉ niệm, trong tương lai nó là kỉ vật. Phong trào nhiếp ảnh lớn như vậy, phát triển như vậy, đó là dấu hiệu bộ môn nghệ thuật này đang được thăng hoa.
Hiện nay nhiếp ảnh nước nhà đang trong thời kì thịnh vượng. Để đẩy mạnh bộ môn nghệ thuật này các nhà lãnh đạo, các nhà quản lí, các chuyên gia lí luận phê bình cần có lộ trình quy mô tổ chức đào tạo để mọi người khái niệm được giữa ảnh sao chép, ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật, ảnh photoshop và thế nào là ảnh chân dung, ảnh phong cảnh, ảnh đời thường… Hiện nay chúng ta vẫn bị lẫn lộn giữa ảnh chân dung con người và ảnh ”chân dung” một nhóm người, gây nhiều tranh cãi trong giới nhiếp ảnh. Cụ thể như Cuộc thi Ảnh chân dung con người được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN tổ chức vào trung tuần tháng 6/2011 đã gây tranh cãi rất nhiều về bức ảnh đoạt giải Nhất, dư âm còn đọng lại đến tận bây giờ.
Duy Ngọc