Muôn ánh vàng bay

“Muôn ánh vàng bay” là tên tập Ký chân dung của nhà báo Xuân Phong, hiện đang công tác tại báo Tin Tức (TTXVN). Sách do NXB Hội Nhà văn và Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Liên Việt phát hành.

Cuốn sách với 27 bài ký chân dung, về những người góp phần tạo ra lịch sử và làm nên lịch sử. Trong đó, có những bài viết về một thế hệ vàng của thời đại Hồ Chí Minh, thế hệ trưởng thành từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 (qua lời kể của những người thân trong gia đình). Đó là giáo sư sử học Trần Huy Liệu, người soạn thảo quân lệnh số 1 cho Tổng khởi nghĩa, người sáng lập ngành khoa học xã hội, Viện trưởng đầu tiên của Viện sử học. Là giáo sư Nguyễn Xiển, một công chức trong bộ máy chính quyền Pháp, nhưng đã giác ngộ cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ là Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ kiêm Giám đốc Nha khí tượng thủy văn, hay bức chân dung về vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội - Trần Duy Hưng...


Cuốn sách cũng có những bài viết về những “nhân chứng sống” của những giai đoạn lịch sử đặc biệt như: Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên, nguyên Tư lệnh Pháo binh, là người chỉ huy tiểu đoàn pháo xe kéo đầu tiên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Cựu chiến binh Nguyễn Thế Vinh, dũng sỹ cứu pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cựu chiến binh Đỗ Văn Dĩnh với câu chuyện về đại đội bắn rơi hai chiếc máy bay cuối cùng của địch tại Điện Biên Phủ. Là chuyện về ông Lưu Văn Lợi, cố vấn pháp lý cho đồng chí Lê Đức Thọ, người mang hai dự thảo văn kiện đi Paris, chuẩn bị cho ký kết Hiệp định ngày 27/1/1973…

Những nhân chứng lịch sử không kém phần quan trọng là đội ngũ những người làm báo, những phóng viên chiến trường như đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng Biên tập Báo Phòng không - không quân, người từng tác nghiệp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, tác giả của bức ảnh nổi tiếng “Xe tăng quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập” trong ngày 30/4/1975. Nhà nhiếp ảnh - nhà báo Đinh Quang Thành, người đã trao tấm bản đồ Sài Gòn cho Trung đoàn 66, nhờ có tấm bản đồ này mà Trung đoàn 66 xác định được đường vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975…

Những câu chuyện được nhà báo Xuân Phong kể lại gần như nguyên vẹn nhất với những gì cô nghe được từ những người trong cuộc, với mong muốn, có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về những người anh hùng trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, nhưng khi bước ra cuộc sống đời thường, họ cũng rất đỗi bình dị, mà cao quý.
Mười năm song hành
Mười năm song hành

Mười năm chỉ là một lát cắt thời gian rất mỏng, một chặng đường rất ngắn trong dòng chảy nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội. Nhưng mười năm ấy có biết bao nhiêu là nước, là phù sa của sông Hồng đã bồi đắp, làm nên màu xanh tốt tươi của đôi bờ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN