Hiện nay, không ít các nghi lễ của người dân tộc thiểu số bản địa ở Bình Phước có nguy cơ không còn được lưu giữ, trong đó Lễ cúng lúa mới hay còn gọi là mừng lúa mới là lễ lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây cứ vào tháng Chạp, đồng bào S’tiêng ở xã Thiện Hưng tại các thôn 1, 7, và Thiện Cư lại thay phiên nhau tưng bừng tổ chức Lễ hội mừng lúa mới.
Thôn Thiện Cư (xã Thiện Hưng) - một trong 3 thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn duy trì tổ chức Lễ hội cúng mừng lúa mới. Năm 2021, dù đời sống của người dân còn gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cả nông sản, vật nuôi bấp bênh nhưng không vì thế mà không khí lễ hội nơi đây kém phần sôi nổi.
Trong ngày tổ chức lễ hội, theo công việc đã phân công, ngay từ sáng sớm đã có hàng trăm người tập hợp thành nhóm và làm từng phần việc của mình. Những người già làm cây nêu, người trẻ chặt ống tre, phụ nữ cho gạo vào ống để nấu cơm lam, người thì xiên thịt nướng... Trưởng thôn Thiện Cư Điểu Cần cho biết, để tổ chức lễ chu đáo, tất cả các thành viên trong thôn phải họp, lập kế hoạch, phân công công việc cụ thể cho mọi người. Lễ hội được người dân trong thôn ủng hộ, nhiệt tình tham gia tái hiện nét văn hóa của dân tộc.
Theo quan niệm của người S’tiêng, dù khó khăn hay sung túc, hàng năm đồng bào vẫn duy trì tổ chức Lễ hội mừng lúa mới. Già làng Điểu Grấc cho biết, Lễ cúng lúa mới ở đây đã có thời gian bị lãng quên. Sau khi lễ hội được đưa vào đề án bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng của dân tộc S’tiêng, các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện nên được tổ chức thường xuyên.
Việc tổ chức lễ hội vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán và đúng thời điểm bà con đã hoàn tất mùa vụ nên thu hút rất đông người dân tham gia. Hiện nay, Lễ hội mừng lúa mới không chỉ đơn thuần là lễ hội của dân tộc S’tiêng, mà đã trở thành ngày hội vui đón Xuân về của đồng bào nơi biên giới nói chung. Cùng với các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện, như Trung đoàn 717 (Binh Đoàn 16), Đồn Biên phòng, Công an huyện và đông đảo nhân dân cùng tham gia, tạo nên không khí lễ hội thêm vui tươi, đầm ấm tình quân dân.
Tham dự lễ hội, hào hứng, phấn khởi vì địa phương vẫn còn giữ được bản sắc dân tộc, chị Điểu Thị Pray rất mong muốn sau này những lễ hội như thế này được tổ chức thường xuyên hơn để giữ bản sắc dân tộc, lưu truyền lâu dài cho các thế hệ mai sau nối tiếp. Thường ngày mỗi người một việc, chỉ có dịp lễ hội, phụ nữ mới tập trung gặp nhau, hàn huyên tâm sự, nâng cao đời sống tinh thần với mong ước thôn ngày càng phát triển, không thất mùa, nông sản được giá.
Trong không khí vui tươi của ngày hội, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng Phạm Hùng Phong vui mừng cho biết: Để tổ chức Lễ cúng mừng lúa mới đồng bào S’tiêng, xã đã chỉ đạo Ban điều hành thôn xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm khơi dậy bản sắc văn hóa của đồng bào thiểu số, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và cố gắng duy trì, phát huy hơn nữa đối với thế hệ trẻ hôm nay. Xã sẽ luân phiên duy trì tổ chức lễ hội tại thôn 1 và thôn 7 nhằm giữ gìn bản sắc của đồng bào dân tộc bản địa.
“Trước đây, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây được Đảng, Nhà nước đầu tư, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, người dân được thụ hưởng, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”, ông Phạm Hùng Phong cho biết thêm.
Khi mặt trời khuất sau núi là lúc lễ cúng lúa mới chính thức bắt đầu. Nghi lễ cúng xong là lúc già làng trực tiếp khui rượu cần và rót mời khách. Sau đó, mọi người cùng uống rượu cần, ăn cơm lam, thịt nướng, thưởng thức điệu múa cồng chiêng, các tiết mục văn nghệ đặc sắc qua phần biểu diễn của các chàng trai, cô gái S’tiêng.
Men rượu cần chưa thấm, những người tham gia lễ đã "say" lời ca tiếng hát, điệu nhảy trong đêm hội. Sau một năm lao động vất vả, lễ hội được tổ chức còn thể hiện lòng biết ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền, Đảng và Nhà nước, các thần linh đã phù hộ che chở cho người dân mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc, qua đó nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay phải biết kế thừa, giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đầy bản sắc của cha ông.