Địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như: Đồng bào Cor, Ca Dong, H’rê… Trong đó, người H’rê còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống và sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân tộc H’rê được cộng đồng các dân tộc ưa chuộng. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào H’rê ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, đã tạo nên những sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như may trang phục váy, áo cho phụ nữ; khố, áo cho đàn ông; khăn đội đầu, tấm đắp, tấm địu con, túi đựng đồ dùng và các sản phẩm khác làm từ thổ cẩm, là những sản phẩm cần thiết cho sinh hoạt của các gia đình, giữ được nét văn hóa truyền thống và mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình làm nghề dệt này.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn thể hiện nét văn hóa truyền thống, trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt H’rê được lưu truyền từ lâu đời và được bảo tồn, phát triển. Mỗi sản phẩm thổ cẩm của người H’rê làng Teng không chỉ là một sản phẩm hàng hóa thông thường, mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình. Nghề dệt và sản phẩm dệt truyền thống của người H’rê khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người H’rê ở Quảng Ngãi, thể hiện qua cách tạo hình hoa văn trên sản phẩm dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống của người H’rê.
Hoa văn trên đồ dệt thổ cẩm là họa tiết gắn liền với thiên nhiên, núi rừng, sông nước, cây cối, hoa lá và các hoa văn hình học cách điệu như những đường viền màu song song, hình tam giác cân hay các hình vuông được xếp cạnh nhau với màu sắc đen, đỏ, trắng làm chủ đạo. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc H’rê được hình thành từ lâu đời, đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người H’rê.
Việc công nhận nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê xã Ba Thành là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia là cơ sở để bảo tồn và phát huy nghề này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian đến.
Trong những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã khuyến khích, động viên và hỗ trợ để phát triển nghề dệt thổ cẩm; đầu tư nghiên cứu các đề tài khoa học và dự án bảo tồn nghề dệt thổ cẩm; tổ chức dạy nghề cho các thiếu nữ H’rê trong làng và các địa phương trong và ngoài tỉnh; tích cực tham gia các cuộc liên hoan, lễ hội trong tỉnh và toàn quốc, góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm dệt thổ cẩm nhằm từng bước gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê xã Ba Thành.