“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nhưng nghệ thuật hài với sân khấu hài, điện ảnh hài giờ không đúng với châm ngôn đó chút nào. Chúng đầy rẫy những “thuốc độc văn hóa”, khiến người xem hoặc phản ứng không chịu nổi, hoặc cũng bị tha hóa nhân cách theo. “Chúng ta cần tiếng cười nhưng phải là tiếng cười sạch”, PGS.TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Phản cảm vì cười buông tuồng, dung tục
Khi chương trình Đời cười đầu tiên gồm nhiều tiểu phẩm hài ra mắt hơn chục năm về trước, nó đã hâm nóng tình yêu sân khấu chừng như đóng băng của công chúng. Được “Gặp nhau cuối tuần tiếp sức”, nghệ thuật hài “phủ sóng” mỗi lúc một rộng hơn. Nhưng giờ đây, hài đang “đuối”. Nó có nhưng nhạt, và thậm chí còn quá lố, quá tự nhiên chủ nghĩa.
Kịch hỏng đằng kịch, phim hỏng đằng phim
Liên hoan Sân khấu Hài toàn quốc mới đây là cuộc ra quân rầm rộ của hài. Tại buổi họp báo, NSND Lê Chức hào hứng với cuộc gặp mặt ấy, cũng đồng thời hào hứng vì vé của liên hoan đã bán sạch trước khi khai mạc. Đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng khẳng định khâu tổ chức của liên hoan rất tốt, thậm chí tốt hơn nếu chính Cục đứng ra tổ chức. Mặc dù vậy, không thể nói liên hoan là một thắng lợi về chất lượng nghệ thuật.
Một cảnh trong đĩa hài thứ hai của Mr Vượng “râu”. |
“Liên hoan Sân khấu Hài toàn quốc có quá nhiều tiếng cười tục tĩu, thậm chí diễn viên không ngại ngần khoát tay định vị quanh bộ phận nhạy cảm”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bức xúc. Bà Thái bức xúc cũng là phải vì liên hoan toàn quốc vốn không phải của những “tay ngang”. Họ đều là những diễn viên chuyên nghiệp, những đoàn diễn chuyên nghiệp.
“Sân khấu hài hiện nay quá xộc xệch trong khi vốn dĩ nó có một nền tảng triết học sâu sắc. Sân khấu ấy có bề dày tiếp thu từ sân khấu truyền thống với hài rối nước, tuồng, chèo, cải lương. Khi người Pháp tới chúng ta mau chóng tiếp thu những vở hài kịch lớn của nước này. Chưa kể, văn học của chúng ta cũng mang tinh thần hài kịch với Vũ Trọng Phụng”, bà Thái phân tích.
Nhưng giờ đây, những tiếng cười có chiều sâu như thế không còn cả trên sân khấu lẫn điện ảnh. “Chúng ta chỉ nghe thấy những tiếng chói lói mắng chửi, những câu đùa liên quan đến chuyện quan hệ nam nữ. Chúng hoàn toàn không có tính thẩm mỹ gì”, một nhà nghiên cứu giấu tên nói.
Trên thực tế, điện ảnh cũng nở rộ hài. Trong những tác phẩm điện ảnh mùa Tết, phim hài bao giờ cũng có, và cũng bán vé chạy. Những năm gần đây, Hoài Linh luôn là một cái tên câu khách, bảo đảm doanh số cho bộ phim. Nhưng dù có doanh thu cao, những vai diễn của Hoài Linh hoàn toàn không có gì đáng tự hào về nghệ thuật.
Nguyễn Mạnh Chiến (Phú Thọ):
Tiếng cười quên lo toan
Mình chỉ xem chương trình “Gặp nhau cuối năm” trên VTV thôi còn thì ít khi xem đĩa hài hoặc các chương trình hài khác. Chương trình năm nay hay, đặc sắc, vừa mang tiếng cười cho mọi người, vừa phản ánh được hiện thực cuộc sống, nói đến nhiều vấn đề nóng trong xã hội. Chẳng hạn nói đến vấn đề tắc đường là vấn đề đang bức xúc hiện nay. Đường tắc do nhiều nguyên nhân, đó là trách nhiệm, ý thức của toàn dân chứ không chỉ là trách nhiệm của những nhà quản lý. Năm nào nhà mình cũng cùng ngồi xem “Gặp nhau cuối năm” và cười ầm ĩ, quên hết lo toan vào đêm 30 Tết. Lê Triều Dương (Cầu Giấy- Hà Nội): Quảng cáo quá nhiều Nhiều đĩa hài chiếu trên ti vi đã bị cắt đi nhiều chi tiết nên nhiều chỗ không thấy được sự liền mạch. Còn ở các đĩa hài thì quảng cáo vẫn nhiều, một đĩa cũng phải đến 30 phút quảng cáo, khiến người xem rất ức chế. Bên cạnh đó nhiều đĩa hài mà chưa hài. Nội dung không có gì đặc sắc, mở ra xem được đoạn đầu thì tắt luôn.
Bích Hường (Hoàn Kiếm- Hà Nội):
Đi xem xong thì tiếc tiền, tiếc thời gian
Tôi hào hứng mua vé đi xem phim “Hoán đổi thân xác” vì rất thích cả hai danh hài Hoài Linh và Chí Tài. Nhưng thực sự xem mà không thể cười nổi. Hoài Linh đóng vai một kẻ có tài nhưng gian ác thì lại diễn thành ngu ngơ. Chí Tài đóng một nhà khoa học thì như chú hề trên sàn diễn. Hóa trang cẩu thả, sơ sài. Mất công đi xem về rồi còn mất thêm công tiếc tiền, tiếc thời gian.
Nguyễn Nhất Thống Trí (Đống Đa, Hà Nội):
Thiếu cái hài cảm động
Tôi hay theo dõi hài Tết từ nhiều năm nay và cũng là một độc giả khó tính. Tôi thấy văn hóa truyền thống trong hài Tết chả còn gì, sự tinh tế của tiếng cười dân gian hoàn toàn biến mất trong các tiểu phẩm hài. Cái tục lệ tốt đẹp của ngày tết bị lồng vào nội dung dung tục, ngôn ngữ cợt nhả, thậm chí không sạch. Thế nên tiếng cười chỉ mới là tiếng cười oán trách, gượng gạo, dung tục. Chương trình “Gặp nhau cuối năm” được đánh giá cao nhất trong các thể loại hài Tết. Nhưng giờ nó cũng chỉ mượn những cái bức xúc, các vấn đề của xã hội ra chê. Cái đó tạo ra tiếng cười. Nhiều người cũng thích. Nhưng tôi thấy đây là tiếng cười gượng gạo, châm chọc và bất lực chứ không phải là tiếng cười thư giãn, sảng khoái.
Thiết nghĩ, chỉ cần một câu chuyện đơn giản như con rể đến tết nhà bố vợ. Từ chuyện cậu ta vồ gà mang biếu bố mẹ như thế nào, gói bánh chưng méo mó ra sao. Tức là cậu ta không biết làm nhưng vẫn tận tình, thể hiện tình cảm. Cũng có thể khiến người ta cười vì chuyện đó vừa hài mà vừa cảm động.
Nguyễn Thu Hà (Đông Anh- Hà Nội): Lo con bắt chước thì không hay
Năm nào nhà mình cũng mua các đĩa hài về xem vì nhà có nhiều trẻ con. Năm nay mình mua hầu hết các đĩa hài trên thị trường như “Tết Văn Lang cả làng nói phét”, “Xuân Hinh kén chồng”, “Điệp viên du hài ký”… Nhìn chung là hài hước, tạo được tiếng cười và nội dung phong phú. Nhưng tôi cũng lo lắng vì có nhiều đoạn trong những đĩa hài này có ngôn ngữ, cử chỉ dung tục như con cãi mẹ, xưng “người ta”, rồi những hành động sàm sỡ… Tôi lo các con tôi xem xong cũng sẽ bắt chước thì sẽ không hay. |
Thậm chí, trong điện ảnh còn có kiểu hài chẳng biết có nên gọi là hài hay không. Trong một bộ phim, khi anh chàng chủ quán do Huy Khánh thủ vai vừa băm băm chặt chặt vừa hát bài ca thịt chó, cạnh đó là cô phục vụ õng ẹo thì người ta không hiểu có nên cười không? Kịch bản đã không xuất sắc, diễn viên còn thiếu duyên, đoạn cao trào đó trở nên vô duyên, nhạt nhẽo.
Bất chấp tất cả những điều đó, Hello cô Ba lên ngôi mùa phim Tết vừa rồi. Khán giả ở đô thị phía Bắc lắc đầu trong phòng chiếu, nhưng tại các tỉnh- phim thắng lớn.
Không có tích không dịch nên hài
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang suy tư: “Dựng hài là điều khó khi kịch bản thiếu. Chính vì thế mà cái hài nhiều khi phải vay mượn từ những tích rất cũ. Cũ đến mức chưa xem đã biết nó diễn tiến thế nào, nên đôi khi duyên hài của diễn viên không kéo nổi khán giả cười”.
Còn theo bà Minh Thái: “Chúng ta còn thiếu những hài kịch mang tinh thần hài hước lành mạnh kiểu như Cơm thầy cơm cô (Vũ Trọng Phụng), cười xong thấy có thể khóc vì chua xót. Sân khấu hài thiếu đến mức giờ phải quay về dựng những vở chuyển thể từ tác phẩm văn học giai đoạn 1930 -1945 của dòng văn học hiện thực phê phán, mà Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan là những nhà văn tiêu biểu”.
Nhưng điện ảnh thì không thể chỉ mãi ăn sẵn vào những Thằng Bờm, Thằng Cuội được. Đầu tư điện ảnh quá lớn nên nó buộc phải sinh lời. Vì thế, những năm gần đây, công thức phim Hoài Linh cộng hài đã trở thành “bí kíp” của nhiều nhà đầu tư điện ảnh một phần vì thế. Có điều, với những vai hài như thế này, Hoài Linh chỉ có thể khiến cho các nhà chuyên môn lắc đầu vì tiếc cho anh.
“Hoài Linh tài hoa, nhưng nếu chỉ lẹt đẹt với những vai diễn hài nhảm thì tài năng đó cũng phí hoài”, bà Thái nói. Tất nhiên, đó không chỉ là điều đáng tiếc cho Hoài Linh mà còn cho rất nhiều nghệ sĩ khác. Họ đã không gặp được những cơ hội diễn hài lớn trong đời.
Nhưng có lẽ người không may nhất vẫn là khán giả. Họ đã không có cơ hội thưởng thức tiếng cười “sạch”- để quên bớt ưu tư, rất đáng được hưởng.
Cầm Trang