Xòe đi vào trong tác phẩm văn chương, thi ca, trong hội họa, phim ảnh..., trở thành niềm tự hào về truyền thống văn hóa của người dân địa phương. Tuy nhiên, như nhiều di sản khác, xòe Thái cũng đang đứng trước những thách thức của thời đại. Chính vì vậy, việc bảo vệ, phát huy nghệ thuật xòe Thái trong xã hội đương đại là một vấn đề cần quan tâm.
Nhiều thách thức trong bảo vệ di sản
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trải qua những thời kỳ phát triển khác nhau, sinh hoạt xòe Thái có những khi trở nên rất phổ biến hoặc ngược lại, bị gián đoạn, ngưng trệ. Trong những năm gần đây, cùng với chính sách đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước, sinh hoạt xòe Thái đã được quan tâm phục hồi, nhanh chóng thể hiện sức sống mới. Tuy nhiên, bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người dân và thể hiện sức sống mãnh liệt của di sản, sinh hoạt xòe Thái cũng đang vận động, biến đổi không ngừng trong bối cảnh đương đại với những biểu hiện mới, ý nghĩa mới và cả những vấn đề mới.
Đó là, môi trường diễn xướng xòe Thái đang thay đổi do quá trình giao lưu văn hóa, ít nhiều phá vỡ tính nguyên bản của điệu xòe truyền thống. Nhận thức của một số người Thái về vai trò, tầm quan trọng của việc phải bảo vệ di sản, trao truyền di sản để giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng còn hạn chế khiến di sản có nguy cơ mai một. Thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý về di sản văn hóa phi vật thể; khó khăn, eo hẹp về kinh tế nên nhiều địa phương chưa đủ điều kiện để xây dựng phong trào dân ca, tổ chức các hình thức sinh hoạt xòe, đặc biệt là ở các xã thuộc diện nghèo, vùng sâu, vùng xa...
Những năm gần đây, cùng với chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số được quan tâm hơn, sinh hoạt xòe Thái dần dần được phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan, bối cảnh xã hội đương đại với sự giao thoa văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc trở nên thường xuyên, mạnh mẽ, sinh hoạt xòe Thái cũng có sự vận động, biến đổi cả trong chức năng, vai trò, hình thức trình diễn, trong tiết tấu âm nhạc, động tác múa, môi trường diễn xướng... Sự biến đổi này mang đến một nguy cơ đáng lo ngại khác, đó là ở một số địa phương, di sản bỗng nhiên được phát triển rầm rộ, biến đổi quá nhanh. Một số địa phương có xu hướng “hoành tráng hóa”, “sân khấu hóa”, lai tạp hóa di sản, khiến cho di sản xòe Thái đối diện với nguy cơ biến dạng, bị bóp méo bản chất.
Đơn cử, năm 2009, “Vòng xòe đại đoàn kết” của tỉnh Lai Châu mới có số lượng 1.332 người, đến năm 2013 màn “Đại xòe cổ” trong Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Xòe Thái - Mường Lò, Nghĩa Lộ” của tỉnh Yên Bái đã có sự góp mặt của 2.013 diễn viên, nghệ nhân và xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam. Mới đây, dư luận xã hội và các nhà nghiên cứu đã phải lên tiếng nghiêm khắc cảnh báo để ngăn chặn việc tỉnh Yên Bái đăng ký hồ sơ kỷ lục Guinness thế giới cho “Màn đại xòe lớn nhất thế giới” có sự tham gia của 5.000 người.
Phát triển du lịch để bảo vệ di sản
Nghệ thuật xòe của người Thái là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, là bản sắc văn hóa đặc trưng, là phương tiện để giao lưu, kết nối cộng đồng và các dân tộc cùng sinh sống. Việc bảo vệ, phát huy nghệ thuật xòe Thái giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái trong xã hội đương đại là việc làm được các địa phương có xòe Thái quan tâm.
Những năm qua, các địa phương có xòe Thái phát triển, như: Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… thường xuyên quan tâm đến việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa xòe Thái tại địa phương thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh việc thành lập các đội văn nghệ thôn bản nhằm bảo vệ, phát huy nghệ thuật múa xòe. Theo thống kê, hiện mỗi tỉnh đã có hàng trăm đội văn nghệ thôn bản, với hàng nghìn đội viên, các đội văn nghệ thôn bản thường xuyên tham gia trình diễn múa xòe tại các lễ hội trong bản, đi giao lưu với các đội khác ở những địa phương, tỉnh thành khác nhau.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các đội văn nghệ thôn bản, mời các nghệ nhân về truyền dạy cho các đội văn nghệ, các thế hệ trẻ ở các bản, làng người Thái nhằm trao truyền nghệ thuật múa xòe cho các thế hệ kế cận, để múa xòe duy trì thường xuyên. Một số địa phương còn xây dựng thử nghiệm các chương trình phối hợp, lồng ghép, triển khai đưa nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có xòe Thái vào các chương trình học ngoại khóa của nhà trường…, nhằm bảo vệ và để di sản “sống” trong cộng đồng.
Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, di sản nghệ thuật xòe Thái có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch văn hóa ở vùng Tây Bắc, có thể trở thành một loại hình du lịch di sản văn hoá hấp dẫn. Thời gian qua, nhiều địa phương đã xây dựng múa xòe thành sản phẩm du lịch mũi nhọn. Cụ thể, trong các chương trình nghệ thuật lớn của các tỉnh vùng Tây Bắc, như trong chương trình Tuần Văn hóa du lịch tỉnh Sơn La, Tuần văn hóa du lịch Mường Lò (Yên Bái), Lễ hội hoa Ban (Điện Biên), Tuần Văn hóa du lịch tỉnh Lai Châu… đều tổ chức múa xòe.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, mô hình du lịch cộng đồng sẽ đem lại hiệu quả trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật xòe Thái, bởi trong mọi trường hợp cộng đồng luôn được xem là chủ nhân của các giá trị di sản văn hóa. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc phát triển du lịch cộng đồng như một phương pháp bảo tồn, phát huy nghệ thuật xòe Thái trong bối cảnh hiện nay. Bởi, nhu cầu trải nghiệm văn hóa nói chung và trải nghiệm nghệ thuật biểu diễn của khách du lịch nói riêng đang ngày càng cao, phát triển du lịch cộng đồng giúp nâng cao được đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào. Khi thấy mình được hưởng lợi từ di sản, đồng bào sẽ tiếp tục có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản văn hóa, điều này tạo điều kiện cho sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ những giá trị văn hóa truyền thống của người Thái lâu nay do sự phát triển của xã hội đã dần bị mai một.
Hiện, hồ sơ nghệ thuật xòe Thái đã được trình UNESCO xem xét ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hy vọng, nghệ thuật xòe Thái sớm được vinh danh, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với vùng Tây Bắc.