Với đồng bào Cơ Tu, con trâu là con vật may mắn mới được chọn để làm vật tế thần, giúp dân làng thể hiện được tình cảm với thần linh, mong thần linh nhận được vật tế để phù hộ cho dân làng một năm mới tiếp tục no ấm, sung túc. Ngoài dịp Tết Nguyên đán, người Cơ Tu thường tổ chức lễ hội đâm trâu vào các dịp lễ lớn như mừng lúa mới, cúng Giàng, lễ tại ơn, cưới xin và lễ cúng nhà mồ...
Xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có đến 95% dân số là người Cơ Tu. Đây cũng là một trong những địa phương tiên phong xóa bỏ phong tục đâm trâu. Tại nhà gươl truyền thống thôn Dỗi, xã Thượng Lộ có những chiếc đầu trâu được treo trên cột chính giữa nhà. Đây là minh chứng cho một phong tục có truyền thống lâu đời của người Cơ Tu.
Ngày nay, phong tục này đã được bà con đồng bào dần xóa bỏ. Chỉ tay về phía những chiếc sừng trâu, Già làng Vương Văn Cừa kể cho chúng tôi nghe về lễ hội đâm trâu của đồng bào nơi đây. Lễ hội đâm trâu thường được tổ chức hai ngày một đêm, trâu được dẫn về từ chiều hôm trước và lễ đâm trâu chính sẽ diễn ra vào trưa hôm sau.
Trước lễ, người dân chọn một con trâu thật khỏe, tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống no, rồi đem buộc bằng dây mây vào một cột nêu - được trang trí bằng các hoa văn, hoa rừng đẹp. Sau đó, dân làng tổ chức cúng tế lên Giàng báo với thần linh và mời các ngài về chứng giám cuộc đâm trâu ngày mai. Trong lễ cúng có lợn, gà để dâng lên thần linh; dân làng ăn uống, nhảy múa, nổi cồng chiêng suốt đêm, còn các già làng khóc tế trâu cả đêm như là một lễ tiễn trâu về với Giàng. Khi gà rừng cất tiếng gáy cũng chính là lễ khóc trâu dừng lại và tất cả mọi người chuẩn bị cuộc đâm trâu. Dân làng reo hò, nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã vây quanh con trâu - vật tế trời.
Khi lễ chính thức bắt đầu, một vị già làng có uy tín dùng cây giáo nhọn đâm trâu. Khi những giọt máu đầu tiên của con trâu chảy ra, vị già làng sẽ hứng lấy và dâng cúng Giàng cùng những vật phẩm đã chuẩn bị sẵn trước đó để khấn cầu hay tạ ơn thần linh đã che chở cho dân làng.
Già làng Vương Văn Cừa chia sẻ: Lễ hội đâm trâu diễn ra hai ngày, rất mất công và tốn kém tiền bạc. Nhiều gia đình nghèo khó, phải vay mượn tiền để mua trâu, sau lễ lại càng nghèo hơn. Hơn nữa, tục lệ này cũng không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại bởi cảnh tượng đâm trâu không đẹp mắt, không nhân văn, nên chúng tôi vận động bà con không tổ chức đâm trâu nữa.
Lễ hội đâm trâu là phong tục truyền thống lâu đời và nét văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Vì vậy, vận động đồng bào xóa bỏ phong tục này là một việc rất khó. Song, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt, các già làng, trưởng bản người có uy tín là cầu nối để truyền tải, thuyết phục người dân thấy được việc đâm giết trâu tại lễ hội là hành động thiếu nhân văn, cần được xóa bỏ.
Già làng Hồ A Ray, thôn A Xăng, xã Thượng Long, huyện Nam Đông cho biết: lễ đâm trâu là bản sắc của người Cơ Tu nhưng trong thời đại văn minh này, lễ không còn phù hợp thì cần xóa bỏ. Lúc đầu, nhiều dân làng không đồng ý, chúng tôi phải giải thích dần cho người dân hiểu rõ. Con trâu là vật nuôi gần gũi để phục vụ sản xuất nông nghiệp; khi đau ốm đã có các bác sĩ chữa bệnh, cúng bái không thể lành bệnh mà chỉ tốn tiền của. Người dân nhận thức được và dần bỏ phong tục này để phù hợp với nếp sống mới, đời sống văn hóa mới.
Chị A Lăng Thị Bé, thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông cho biết, việc xóa bỏ dần tập tục đâm trâu trong các cộng đồng, bản làng người Cơ Tu không làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa của người Cơ Tu. Thay vào đó, trong các hoạt động lễ hội bà con đồng bào chúng tôi vẫn sinh hoạt, ca hát với các làn điệu dân gian cùng điệu múa tung tung, da dá của đồng bào. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, chúng tôi chuẩn bị những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” và góp nhau làm heo, gà để ăn mừng năm mới.
Huyện miền núi Nam Đông hiện có gần 40 bản, làng của 6 xã, với khoảng 70% dân cư là đồng bào dân tộc người Cơ Tu. Hiện nay, việc đâm trâu trong các lễ hội dịp năm mới, lễ mừng lúa mới và cưới hỏi không còn xảy ra ở các bản làng. Bên cạnh đó, trong lễ cúng nhà mồ một số gia đình, bản làng, đồng bào cũng không tổ chức đâm trâu như ngày trước mà chỉ làm thịt trâu để cúng khi có điều kiện.
Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, việc người dân tự nguyện xóa bỏ dần lễ hội đâm trâu, vốn đã tồn tại lâu đời trong cộng đồng người Cơ Tu là vấn đề rất khó khăn. Nhưng với sự quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, hiện nay, việc đâm trâu không còn xảy ra trong các lễ hội lớn của người Cơ Tu. Để việc đâm trâu không tái diễn, chính quyền địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc của người đúng đầu cấp ủy, chính quyền, già làng trưởng bàn và người có uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy địa phương làm được để nêu gương cho các địa phương khác.