Bây giờ đã vắng những người đắm say đến mê muội âm nhạc cổ truyền, để rồi chắt chiu từng làn điệu, hòa nhịp từng câu ca mà sống trọn đời với nó. Thế nên người như chị Đoàn Thị Tuyết Hoa (Khối phố Long Xuyên, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), Đội phó đội văn hóa thông tin - Phòng VH - TT huyện Duy Xuyên, thật hiếm hoi.
Trong cuộc sống hiện đại bây giờ, nhiều người, nhất là giới trẻ thích cái vui tươi của Pop, cái cuồng nhiệt của Flamenco,
sôi động của Rock… Đó là những thể loại âm nhạc xuất xứ từ ngoại quốc, còn những thể loại cổ truyền thì dường như hụt hơi trong cuộc chạy đua với thời cuộc. “Hiện nay không ít hội diễn dân ca, người ta không sử dụng nhị, trống, đàn sến. Để thuận tiện và kinh tế, họ dùng đàn Organ, mà Organ không phải là nhạc cụ, nó chỉ là một dụng cụ âm nhạc” – chị Hoa bày tỏ. Nhưng với chị, dù cuộc sống có hiện đại bao nhiêu thì dân ca với những làn điệu của riêng nó vẫn mê hoặc chị suốt bao năm qua.
Chị Tuyết Hoa đang say sưa hát dân ca với nhạc cụ là bộ gõ song loan. |
Chị Hoa sinh ra ở làng dệt Duy Trinh (Duy Xuyên). Tuổi thơ của chị gắn với tiếng kẽo kẹt thoi đưa, những lời ru ầu ơ của bà, của mẹ. “Những lời ru của mẹ, của bà đã ám ảnh chị đến nỗi em có tin không, hồi còn con gái, chưa có con mà chị đã biết ru con rồi” – chị tâm sự. Để rồi khi vào làm ở Phòng VH – TT huyện Duy Xuyên (năm 1985), chị ở khu tập thể, cả khu đều mê say tiếng ru của chị. Họ bảo: “Tuyết Hoa đã ru thì con nít phải ngủ”. Và hát ru chính là cái dẫn dắt chị đến với những làn điệu dân ca.
Chị hoa kể, trước khi làm việc ở đây, chị đã nhiều lần đi diễn kịch nói ở cơ sở. Tuy nhiên, cái vốn kịch nói này chỉ là một thứ năng khiếu khởi nguồn từ sự đam mê thuần túy. Phải đợi đến khi chị được cử đi thi, đậu và học ở Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, chị mới có cơ hội đến với dân ca. Hồi đó, ở cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên chỉ có trường này dạy nghệ thuật biểu diễn dân gian. Ra trường vào cuối năm 1989, với vốn biểu diễn sân khấu và thanh nhạc học được, chị được Đoàn Kịch nói Quảng Nam - Đà Nẵng xin rút vào làm, nhưng chị không đi, vì nghĩ rằng khi học xong phải về phục vụ cho quê hương. Sau nhiều lần lặn lội xuống cơ sở, rồi học hỏi thêm nhiều người, bây giờ chị đã trở thành một nghệ sĩ dân gian đa năng, biết hát bài chòi, dân ca, hát ru, biết ngâm thơ, diễn kịch, hát tuồng, hát nhạc Chăm… Nhưng chị yêu thích nhất là dân ca, từ những làn điệu chính của dân ca xứ Quảng như xuân nữ - hò Quảng – xàng xê – cổ bản đến điệu đất Hồ, Long hán… Hiện giờ, hầu hết các nghệ nhân hát dân ca ở Duy Xuyên đều là học trò của chị. Chị dạy cho đội lễ hội Thu Bồn hát bài chòi, kịch dân ca; rồi tham gia dự án đưa dân ca vào giảng dạy trong trường học; dìu dắt lớp trẻ thành nghệ nhân… Chị đi diễn khắp nơi trong huyện và cả các huyện khác như Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An (Quảng Nam)… Nhiều người ở Duy Xuyên đã quá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ với bộ song loan (để gõ nhịp song loan trong hát bài chòi, dân ca) trên tay, lặn lội khắp nơi để dạy hát dân ca.
Những chuyến đi biểu diễn, nhiều kỷ niệm chị không thể quên. Chị kể, hơn 10 năm trước, khi đi biểu diễn ở xã Duy Nghĩa, chị đùm cả... gạo theo. Sáng ra chợ Nồi Rang ăn sáng, nhiều người nhận ra chị rồi chạy ngay về nhà đem khoai lang tới cho. Họ khen rằng: “Chị diễn hay cắn răng” (hay lắm). Có một chị nay là bảo vệ UBND xã Duy Nghĩa, cảm giọng ca của chị đã xin kết nghĩa chị em. Hay mới đây thôi, năm 2010, xã Duy Vinh mời chị dạy dân ca. Xã yêu cầu mỗi thôn cử 4 người đi học, để tổ chức đêm diễn văn hóa dân gian trong các dịp lễ hội của xã. Lớp học ấy có một học viên gần 60 tuổi. Thường, người hát giỏi thì hát nhịp 1; người mới biết hát thì hát nhịp 3. Bác này hát nhịp 3 đã sai, nhạc công chạy theo hụt hơi, nhưng trong buổi tổng kết lớp học, dù không có tên trong số hai người hát được chọn biểu diễn nhưng bác vẫn xung phong lên hát; tất nhiên là hát lỗi nhịp. “Vì bác quá đam mê nên mình trân trọng sự đam mê ấy, mình rất tiếc tại sao sự đam mê đó chỉ đến với người già thôi” – chị buồn rầu nói.
Chị ngậm ngùi: “Ước chi lớp trẻ bây giờ có người mê đắm dân ca như bác ấy. Người tập hát phải nắm được nhịp của điệu xuân nữ mới nắm được nhịp của hò Quảng, nắm được nhịp của hò Quảng mới biết xàng xê, biết xàng xê mới thông cổ bản… Nói như vậy để thấy rằng hát dân ca đòi hỏi công phu, cần có sự đam mê của người học. Phải hòa theo cái bi cảm trong một làn ru, xuân nữ hay hối hả trong một điệu xàng xê, cổ bản”.
Từ năm 1989 đến nay, chị Đoàn Thị Tuyết Hoa đã nhận được hai huy chương Vàng, một huy chương Bạc trong các cuộc thi hát dân ca cấp Trung ương; và nhiều giải thưởng khác. |
Chị cũng bảo rằng, làn điệu chỉ là cái nền còn hơi thở cuộc sống thông qua ca từ; chứ dân ca bây giờ đâu có lèm nhèm chuyện tình chàng ý thiếp, lời kỹ nữ ru buồn, chuyện tình tỳ bà của Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh. Ví như hát ru, làn điệu này dành cho hơi hướng than thở trong một bài dân ca, thì nay, với việc đặt lời mới, cái chất than thở đã không còn bi lụy sầu thương cố hữu. Như lời người mẹ trong vở kịch “Gia tài của mẹ”, nói về một bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi giải tỏa nhà để mở đường, con cái tranh giành đất đai (tác giả Lê Trung Thùy) để nhận tiền đền bù: “Ầu ơ con cò lặn lội bờ sông, tìm ăn cốt để no lòng cò bay, còn mẹ tôi thì lặn lội đêm ngày, chứ nắng mưa đâu quản đắng cay đâu nề”. Ở đây, dùng điệu hát ru để diễn tả tình yêu dành cho con. Rồi cũng lời người mẹ, chuyển sang xàng xê, làn điệu diễn tả tình huống cao trào; để biểu thị rõ sự phân tích thấu tình đạt lý của người mẹ về những sai lầm của con: “Anh tưởng tôi tuổi già lẩm cẩm, không thấy đường quang bụi rậm hay sao; mà vợ chồng anh bủa lưới giăng rào, để tôi lâm cảnh bước vào không đường ra”.
“Vậy đó, dân ca đâu có lạc hậu, nó rất sôi động và vẫn bàn về những vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội đấy chứ” – chị sôi nổi nói. Nhưng có mấy người nghĩ được như chị. Mấy ai còn lặn lội đạp xe theo từng nghệ sĩ mỗi lần biểu diễn để học lỏm; mấy ai bầu bí mà vẫn ôm bụng đi diễn; mấy ai, sau mỗi buổi diễn, luôn tự vấn rằng mình đã diễn hết cảm xúc hay chưa; mấy ai mừng đến chảy nước mắt khi nhìn những lớp học mình giảng dạy đã có kết quả, tự phát động phong trào biểu diễn dân ca... Chị bảo rằng, giờ đi diễn, chị buồn vì không còn nhận được những đùm khoai, nắm cơm của bà con cho, rồi khen: “Chị hát hay cắn răng”.
Mai Thành Dũng