Người phụ nữ tật nguyền và thương hiệu nón lá Huế

Hỏi "Thúy chằm nón", bất kỳ ai ở tổ 13, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đều biết đến chị. Con đường thành danh của người phụ nữ tật nguyền, lại làm nghề chằm nón như chị, quả là những tháng ngày nhọc nhằn để vượt lên số phận.

Chị Thúy đang chằm nón lá.


Khi sinh ra, Trần Thị Thúy đã chỉ có một bàn tay, tay còn lại bị cụt đến tận khuỷu. Từ nhỏ, Thúy thường lân la, phụ giúp mẹ trong công việc chằm nón; từ đó, niềm đam mê với công việc này đã lớn dần lên trong chị. Ban đầu, chị tận dụng các sản phẩm thừa do mẹ loại bỏ ra để tập làm những chiếc nón, như những món "đồ chơi" cho con trẻ.

Năm lên 10 tuổi, Thúy chằm được chiếc nón đầu tiên trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình. Từ bấy đến nay, chị theo nghề này như là một định mệnh. Mẹ Thúy cho biết: Làm nghề này với người lành lặn cả hai tay còn khó, huống chi con bé chỉ có một tay, nhưng Thúy hết sức cần cù, siêng năng và chịu khó. Bây giờ già rồi, tôi chỉ còn phụ giúp được nó làm vành và ủi lá nón, vốn là những công đoạn rất khó khăn đối với người tật nguyền như nó. Các công việc còn lại đối với một người thợ làm nón, Thúy đều thành thạo, từ việc xâu kim, xây lá, độn lá nón, cho đến chằm nón để có một sản phẩm hoàn chỉnh. Dùng khuỷu tay bị dị tật kẹp chiếc nón vào đầu gối, tay kia thoăn thoắt với từng đường kim, mũi chỉ chính xác và nhanh đến không ngờ”.

Trong căn nhà cấp bốn lúc nào cũng sáng lên hình ảnh người phụ nữ tật nguyền cặm cụi bên hiên ngồi làm nón. Khi du lịch phát triển, "nón lá Thúy" là điểm đến hết sức hấp dẫn cho khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài, bởi đơn giản đây không chỉ đơn thuần là một sản phẩm đặc trưng của Huế mua về để làm quà, mà người ta còn được tận nơi chứng kiến Thúy chằm nón. Nhiều người ngỡ ngàng, không thể tin nổi một người tật nguyền như Thúy lại tạo ra một chiếc nón hết sức ấn tượng.

"Tiếng lành đồn xa", nón lá Thúy nhanh chóng tạo nên một thương hiệu có tiếng ở Huế. Nón Thúy làm ra không đủ để tiêu thụ, khách hàng đến mua tại nhà, phần lớn là khách du lịch, cả trong nước và nước ngoài. Nhiều nhất là khách đến từ các nước Pháp,
Ôxtrâylia, Anh, Mỹ, Nhật; họ đến đây vừa mua nón, vừa tận mắt xem Thúy chằm nón. Hiện nay, các điểm kinh doanh nón bán sỉ, lẻ tại các điểm du lịch của Huế đâu đâu cũng xuất hiện nón của chị. Vào mùa du lịch hay các dịp lễ hội, một mình làm không xuể, Thúy phải thuê những người thợ lành nghề về làm phụ giúp. Vì vậy, không những tự lo cho bản thân mình, hàng tháng chị còn giúp đỡ được 5 - 10 nhân công, đa phần là những phụ nữ không có việc làm với mức lương 600.000 - 800.000 đồng/tháng.


Trong thời buổi nón lá thường yếu thế trước các loại mũ vải, mũ bảo hiểm, thì "nón lá Thúy" không những phát triển mà còn vươn xa. Ấn tượng nhất đối với Thúy là trong một lần chị vinh dự được theo đoàn các doanh nghiệp Việt Nam sang triển lãm hàng hóa ở Nhật Bản. Chị cho biết, vui nhất những ngày ở Nhật là chị được trình diễn nghề làm nón của mình, vừa làm, vừa bán được sản phẩm. Ước mong của Thúy là thị trường kinh tế được mở rộng để nón lá của chị có dịp hội nhập nơi "trời Tây".

Trong căn nhà của Thuý hôm nay, giai điệu trầm lắng từ một câu hát phổ thơ Thu Bồn nghe sao thật ấn tượng "Nón rất Huế, nhưng đời không phải thế/Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng". Chắc hẳn đây sẽ là nét Huế, in đậm thêm dấu ấn nghề truyền thống của một vùng đất văn hóa, thu hút khách thập phương...

Bài và ảnh: Quốc Việt
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN