Sinh năm 1980, Nguyễn Quang Hưng (ảnh) thuộc thế hệ những người làm thơ trẻ sớm định hình phong cách trong số ít người trẻ theo đuổi niềm đam mê sáng tác thơ hiện nay. Hưng cũng là người đa tài khi làm cả báo, viết kịch bản sân khấu. Con người già trước tuổi và luôn trầm tĩnh ấy còn hát quan họ như liền anh liền chị thứ thiệt, bởi cũng “vang, rền, nền, nảy” như ai…
Nguyễn Quang Hưng làm thơ từ rất sớm. Tập đầu tay “Vườn ánh sáng” của Hưng in năm 2008. Tập thơ mới nhất của Nguyễn Quang Hưng là “Mùa Vu lan”, chỉ có điều “Mùa Vu lan” ra mắt vào thời điểm không phải Vu lan, cũng chẳng bài nào trong tập mang tên “Mùa Vu lan”. Nhưng có lẽ cái không gian ma mị, mơ hồ sương khói, ngập tràn day dứt, da diết, rưng rưng và tiếc nuối của một mùa Vu lan cách trở đã bao trùm cả tập thơ ngay cả ở những bài miêu tả lễ hội. Tập thơ vì thế khiến cho người ta đắm say, ngơ ngẩn, da diết cùng lễ hội, chợ phiên, quán nước, môi trầu; mơ hồ cõi dương gian quyện hòa kinh kệ. Điều đặc biệt là, trong tập thơ ấy ở đâu cũng thấy chữ tình. “Tình” lãng đãng sương khói trong chốn mê, “Tình” mỏi mòn “treo câu mạn thuyền”, “Tình” hiu hắt “nửa giường, nửa chăn, nửa chiếu”, và cả “Tình” nghẹn qua vị khế chua của những người chị. Trước khi ra mắt “Mùa Vu lan”, Hưng “dọa” sắp phát hành một tập thơ toàn… chị. Tưởng đùa thế, mà “Mùa Vu lan” có hẳn một phần mở đầu mang tên: Chị tưởng tượng, là những bài thơ tình dành cho “Chị”. Người làm thơ biết có tưởng tượng hay không mà da diết thế, từ lúc “Chị lớn… Tóc xanh đẫm nắng/ Phố chợ bặt vắng/ Nhìn đâu cũng đỏ Giao thừa”, cho đến lúc “Chị đi… thì thụt đường mưa/ Đuôi mắt nghiêng mùa núi đổ/ Lá xoáy thủng trời”, để cuối cùng “Chị về… Đường xưa lạ quen/ Bập bõm lối đầy tiếng trẻ”. Chị về mà đâu đã thấy vui. Lối đầy tiếng trẻ mà nghe sao buồn lặng…
Hình tượng “chị” xuất hiện khá nhiều trong thơ Nguyễn Quang Hưng, và mặc dù tác giả phủ nhận rằng chẳng có “tình chị” thật nào ở đây cả, chỉ là tưởng tượng để lấy cớ làm thơ mà thôi, cái cớ từ cảm xúc hư ảo dành cho những người bạn nữ lớn tuổi hơn. Nhưng tôi đồ rằng, nếu không già dặn trong tư duy, những “hư ảo” đó không thể sâu sắc đến thế. Hưng cũng công nhận rằng từ lúc mới độ đôi mươi, bạn bè của anh phần nhiều là những ông chú, ông bác gấp đôi, ba lần tuổi. Tư duy “vượt cấp” khiến ngay từ khi rất trẻ, người ta cũng có thể đối thoại được với những người có quỹ thời gian trải nghiệm gấp đôi mình.
Sự già dặn, trầm tĩnh và sâu sắc so với tuổi của Nguyễn Quang Hưng không phải chỉ áng qua nét mặt, hành vi, mà “ngấm” cả vào sở thích. Thời nay không còn mấy người trẻ thích quan họ và để ý những nét văn hóa hoài cổ, ấy thế mà nhà thơ Nguyễn Quang Hưng mê những giai điệu miền Kinh Bắc như phải bùa, mà lại mê từ thuở đôi mươi. Hưng hát hay, hát cả nhạc Trịnh, cả tiền chiến và quan họ. Có bận giao lưu với sinh viên tại trường đại học, khán giả yêu cầu Nguyễn Quang Hưng hát. Chẳng cần nhạc phách phụ họa, Hưng hát bài “Lúng liếng”, quan họ Bắc Ninh. Hát mộc, loa kém, míc rè, ấy mà cả sân trường cùng lúng liếng với chất giọng rền và nẩy của nhà thơ. Sinh ra ở Hà Đông, nơi một bước ra phố, nửa bước vào làng, chứ đâu phải lớn lên cùng bãi lúa nương dâu đôi bờ sông Đuống của thi nhân Hoàng Cầm mà không gian Kinh Bắc tưởng tượng vẫn lung linh qua những “tóc mưa mây khói mái làng”. “Lúng liếng tháng Giêng, Mười Ba hóa khói/Ngõ làng quay quắt mưa rơi” để rồi day dứt “Quan họ ơi mưa sa lưng đồi…”. Không gian miền quê Bắc bộ với mái đình, ngõ nhỏ đâu đâu cũng thấy. Hưng nói rằng quê ngoại anh – làng Tả Thanh Oai ở Thanh Trì – Hà Nội, nơi anh hay về và những làng quê Kinh Bắc anh đã đến cũng không khác nhau nhiều ở sự lưu giữ bền lâu những trầm tích văn hóa. Mà có lẽ chăng câu dân ca quan họ ngấm vào nhà thơ trẻ tự lẽ nào để hồn thơ bay đi “rải cát Tiên Dung đôi bờ Thương Đuống” để mãi “mơ đêm mua chợ vải làng Nành”.
Nguyễn Quang Hưng chỉ làm những điều mình thích, có lẽ đó là nguyên tắc tối thượng, chứ không gắn nó với danh và lợi. Tiếp xúc với Nguyễn Quang Hưng, quan sát sự đằm tính của anh, cứ ngỡ rằng không biết điều gì có thể khiến con người này nổi giận. Những tưởng con người của thi ca trầm lắng, quen chịu đựng, người từ bé xa lạ với trò chơi đánh trận giả bạo lực của tụi trai nít hàng xóm mà chỉ thích chơi nhà cửa, búp bê, sẽ mặc cho sự đời biến chuyển thế nào cũng đành. Song Nguyễn Quang Hưng là người quyết liệt, đứng trước sự khó chịu và xúc phạm, thay vì phản ứng ầm ĩ, anh chỉ im lặng quay mặt đi, và mối quan hệ đã cắt đứt thì rất khó lòng quay lại. Chứng kiến sự này, tôi hơi lạ. Có những gã ngang tàng ngay từ vẻ bề ngoài, hành tung bất cần thế nào cũng không đáng kinh ngạc, nhưng thi nhân dịu dàng, da diết là thế. Viết nhiều thơ tình, nhưng ngay cả đối với chữ tình, cách ứng xử của một gã trai mê điệu dân ca cũng khác. Thời đại học, có đận Nguyễn Quang Hưng viết vài chục bài thơ tình chỉ để tặng cho một bóng hồng, rồi hàng chục vần thơ tặng cho hàng chục bóng hồng khác, có nhiều bài viết tặng mà lại… không gửi. Hỏi sao lại thế. Hưng bảo chẳng biết lúc ấy làm sao mà cứ mang tâm trạng kiêu hãnh, bất cần của một gã trai mới lớn khi mà “Chỉ có ta gặm nhấm nỗi đau khổ này một mình mà không cần em phải biết”.
Yêu những điều hoài cổ, đam mê những giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Nguyễn Quang Hưng ôm luôn cả lĩnh vực sân khấu. Kịch bản cho vở chèo đầu tay “Giấc mộng vàng” đã lên sóng VTV1 năm 2007. Tiếp đó, kịch bản sân khấu hóa “Hơi thở của nước” do anh là đồng tác giả đã được trình diễn và truyền hình trực tiếp trong Festival Huế 2010. |
Có lần tôi bày tỏ cái sự lo lắng trước nỗi biết đâu sẽ có ngày chẳng còn ai đọc thơ, làm thơ nữa, rồi thi ca sẽ dần dần biến mất. Giờ ngay cả ở những xứ sở của Byron, của Goethe, của Pushkin, công chúng cũng đâu còn muốn mua thơ nữa. Đáp lại nỗi “lo xa” này, tôi nhận được sự lạc quan tràn đầy của chàng thi sĩ, khi anh khẳng định rằng thơ ca có vị trí riêng của nó và sẽ trường tồn. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tập thơ “Vườn ánh sáng” được trưng bày tại quầy thơ. Thấy kể lại có người muốn mua sách mà tác giả lại chạy đuổi theo để… trả lại tiền. Nguyễn Quang Hưng giải thích rằng “Lần vừa rồi tôi lại không muốn bán nữa mà muốn tặng cho những ai thích. Một số cô chú cầm xem, trò chuyện mấy câu và ngỏ ý muốn mua, có người tôi hỏi sao muốn mua thì họ bảo họ thích. Nhưng tôi đều tặng. Khi đang chuẩn bị ghi tặng anh Nguyễn Xuân Diện thì “phát hiện” nhà thơ Vân Long xem một cuốn rồi chắc không nhìn thấy ai đứng đó bán, ông cầm cuốn ấy, đặt tiền xuống và đi. Tôi phải chạy theo gửi lại ông bằng được. Tôi nghĩ bán hay tặng đều giản dị thôi, năm nay có thể bán, năm sau tặng rồi năm sau nữa lại bán cũng là điều bình thường”. Chuyện hi hữu này chỉ bắt gặp ở người yêu những điều muôn năm cũ.
Di Li