Nguyên bản tượng Thánh Gióng bị phá hoại:Vi phạm bản quyền tác giả

Trước sự việc bản gốc tượng Thánh Gióng cao 3 m, nặng 2 tấn đặt tại chân núi Sóc Sơn bị phá hoại vào ngày 16/1/2012, nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân đã gửi đơn kiến nghị UBND thành phố Hà Nội làm rõ sự việc này.

Bức tượng bản gốc bị phá (ảnh do BQLDA tượng Thánh Gióng cung cấp).


Đây là tác phẩm được tặng Giải thưởng VHNT- Hà Nội năm 2010 của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội vì những thành tích đóng góp trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Ông Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận và Phê bình mỹ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Tượng bị phá hoại tại chân núi Sóc Sơn là bản gốc tượng Thánh Gióng của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân.

Bức tượng này do Hội Mỹ thuật Hà Nội đề cử tham gia dự thi sáng tác tượng Thánh Gióng và đoạt giải nhất vượt qua 28 tác phẩm khác. Đây chính là nguyên bản để phóng tác thành tượng Thánh Gióng đặt trên núi Đá Chồng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Xét ở góc độ nghệ thuật, nguyên bản chính là tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao nhất đã và được bảo hộ quyền tác giả”.

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, bản gốc tượng Thánh Gióng được tác giả Nguyễn Kim Xuân thực hiện từ năm 2003 - 2009. Sau khi được chọn là mẫu để làm tượng Thánh Gióng cao gần 11 m nặng 85 tấn đúc bằng đồng đặt trên núi Sóc, bản gốc được di chuyển đến bãi đúc tượng đặt tại chân núi Sóc. Bãi đúc tượng được UBND TP Hà Nội chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cho Ban quản lý dự án xây dựng (BQLDA) tượng đài Thánh Gióng mượn làm công trường.

Sau khi tượng Thánh Gióng được đúc xong và chuyển lên đặt trên đỉnh núi, TP Hà Nội có công văn đề nghị BQLDA bàn giao khu đất cho Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội. Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó BQLDA tượng đài Thánh Gióng cho biết: “Ngày 12/1/2012, UBND huyện có cuộc họp thống nhất bàn giao khu đất vào ngày 15/2 và di dời nguyên vẹn nguyên bản tượng sang phần đất Học Viện Phật giáo. Tuy nhiên, ngày 16/1, hàng chục người và xe ủi, cần cẩu vào san bằng khu vực trên mà không có thông báo. Kể cả khi tiến hành san ủi, tôi đã có mặt và yêu cầu lãnh đạo đơn vị thi công và chủ đầu tư không đụng vào nguyên bản tượng Thánh Gióng bằng thạch cao và yêu cầu đợi vài hôm để làm xong bệ tượng rồi sẽ làm lễ di chuyển. Tuy nhiên họ vẫn phớt lờ và làm vỡ tượng nguyên bản”.

Liên quan đến nguyên bản tượng đài Thánh Gióng bị phá hoại, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó ban quản lý xây dựng tượng Thánh Gióng khẳng định: “Ngay sau khi hoàn thành việc đúc tượng chính, chúng tôi đã quây hàng rào bảo vệ và có bố trí người gác 24/24 giờ. Nguyên bản tượng Thánh Gióng nằm trong kế hoạch đúc 3 bức tượng Thánh Gióng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng đồng với kích thước giống bản gốc để đặt tại Móng Cái (Quảng Ninh), TP Huế và đất Mũi (Cà Mau). Sau khi hoàn thành, nguyên bản này sẽ được chuyển vào bảo tàng Phật giáo. Nay tác giả Nguyễn Kim Xuân viết đơn kiến nghị về việc phá hoại này thì chủ đầu tư thực hiện dự án là Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí- thể thao Hà Nội, phải có trách nhiệm làm rõ việc tại sao lại thu hồi đất gấp rút và không thực hiện các biện pháp di dời an toàn nguyên bản tượng theo đúng thỏa thuận ngày 12/1, để xảy ra sự cố đáng tiếc này?”.

Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân khẳng định: “Tôi rất bức xúc trước nguyên bản tượng đài Thánh Gióng bị phá hoại vì đây là tác phẩm nghệ thuật mà tôi rất tâm huyết. Nó gắn liền với cảm xúc sáng tác chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Bất cứ việc thu hồi đất nào cũng phải thông báo cho tác giả để làm công tác di dời, thể hiện trách nhiệm với công trình nghệ thuật. Chính vì vậy, tôi đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo làm rõ việc phá hoại nguyên bản tượng đài Thánh Gióng để không lặp lại tình trạng tương tự với các tác phẩm nghệ thuật khác”.

Bài và ảnh: X.M

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN